"Sống chậm" ở Luang Prabang

Thứ Sáu, 03/06/2022, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Luang Prabang, cố đô của Lào luôn chú trọng tới công tác gìn giữ và bảo tồn nét đẹp cổ kính, một trong những nguyên nhân chính giúp thành phố này rất thu hút khách quốc tế mê khám phá văn hóa, di sản, trở về với thiên nhiên.

Tuyến phố cổ Sisavangvong nằm ngay trung tâm Luang Prabang với lối kiến trúc truyền thống Lào kết hợp kiến trúc Pháp tạo nên sự thơ mộng, duyên dáng.
Tuyến phố cổ Sisavangvong nằm ngay trung tâm Luang Prabang với lối kiến trúc truyền thống Lào kết hợp kiến trúc Pháp tạo nên sự thơ mộng, duyên dáng.

Bảo vệ di sản nghiêm ngặt

Luang Prabang nằm ở vùng núi phía bắc của Lào trên độ cao 300m so với mực nước biển, bên cạnh hai dòng sông Mekong và Nậm Khan. Là cố đô của Lan Xang - đất nước triệu voi, Luang Prabang được thành lập bởi vua Fa Ngum năm 1353. Luang Prabang là cố đô của Lào từ 1353 - 1563 và là nơi ở của các vua Lào đến năm 1975. Tại đây có hơn 30 công trình kiến trúc hoàng gia, đa số được xây dựng từ thế kỷ 14 và khoảng 40 ngôi chùa cổ được xây dựng từ các triều đại khác nhau cùng hàng trăm ngôi nhà gỗ truyền thống Lào đan xen với kiến trúc của châu Âu. Luang Prabang được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1995.

Kể từ đó, nơi đây được định hướng phát triển du lịch, lấy khí hậu mát mẻ, trong lành và hệ thống di sản văn hóa làm trung tâm. Công tác gìn giữ và bảo tồn nét đẹp cổ kính của các công trình kiến trúc được chính quyền và người dân Luang Prabang đặc biệt chú trọng. Những chương trình tuyên truyền, giáo dục người dân, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ các di sản, cũng như những lợi ích mà người dân nhận được từ việc bảo vệ các di sản được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, quy định trong công tác bảo tồn được hướng dẫn rõ ràng, chi tiết buộc người dân và các nhà đầu tư phải tuân thủ để không làm mất đi vẻ đẹp riêng có của Luang Prabang. Mọi công trình khi trùng tu đều phải tuân theo chỉ dẫn, từ việc chọn màu sơn, họa tiết hoa văn trang trí, kích thước, màu sắc và chủng loại gạch ngói, tay nghề của đội ngũ thợ... Nhờ vậy, mặc dù số lượng công trình, nhà cửa được trùng tu, tôn tạo ở Khu di sản tại Luang Prabang trong những năm qua không phải là ít, nhưng cố đô này vẫn giữ được các đường nét cổ kính như xưa, với nét kiến trúc đặc sắc và sự yên ả hiếm có.

Suốt chiều dài lịch sử, hoàn cảnh địa lý đã đặt Luang Prabang vào thế hầu như biệt lập với bên ngoài, Phật giáo như chiếm lĩnh “độc tôn” trong đời sống tâm linh của địa phương. Những yếu tố ấy đã tạo ra một bản sắc khác biệt với các nơi khác, thể hiện rõ nhất chính là ở con người. Cư dân dù ở phố hay thôn quê đều hiền hòa, cởi mở, chân thật và nhiệt tình.

Chân trần qua phố cổ

Dân số Luang Prabang chưa tới 60.000 người, với tỷ lệ theo đạo Phật chiếm 96%. Đi đâu trong thành phố đều gặp những ngôi chùa cổ kính, mái tháp nhọn vươn lên mạnh mẽ, cao vút đặc trưng của chùa Lào. Trong đó ngôi chùa lâu đời nhất - Wat Xieng Thông - được xây dựng từ thế kỷ 14, một công trình tiểu biểu nhất cho Phật giáo của cố kinh là điểm đến du khách không nên bỏ lỡ nếu đã đặt chân đến Luang Prabang.

Khác với những thành phố khác ở Lào, Luang Prabang thức dậy từ rất sớm và hoạt động cho tới khuya. Buổi sớm khi bóng tối còn bao phủ vạn vật, các đoàn tăng nhân tu sĩ Phật giáo nguyên thủy đã đi khất thực. Dẫn đầu là các nhà sư lâu năm, tiếp theo lần lượt là các vị trẻ tuổi hơn, đôi khi có thêm vài chú chó dẫn đường.

Từ ngày 9/5, Lào chính thức mở cửa trở lại tất cả các cửa khẩu quốc tế, chào đón du khách nước ngoài nhập cảnh bằng cả đường không, đường bộ và đường thủy. Để gia tăng sức hút với du khách nước ngoài, Lào vận động tất cả DN hoạt động du lịch tăng cường quảng bá các dịch vụ và sản phẩm của mình. Các phương tiện truyền thông thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch Lào rộng rãi.

Chân trần, vai đeo bình bát dây vải, dòng người mang sắc cam cứ thế chậm rãi, thong dong bước qua từng dãy phố. Trên hè phố là các gia đình trong trang phục truyền thống, cung kính dâng lên xôi nếp, đồ chay, hoa quả hoặc bánh kẹo đã cẩn thận chuẩn bị từ trước.

Lễ khất thực cứ thế diễn ra lặng lẽ trong không khí thành kính, thiêng liêng nhưng cũng rất đời thường, dung dị, cho đến khi bóng những nhà sư khuất phía sau cổng chùa. Lễ vật một phần để nhà tu hành sử dụng trong ngày, một phần được chia lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, như một cách san sẻ, cân bằng giữa cho và nhận theo đúng tinh thần của nhà Phật.

Du khách nên dành khoảng thời gian đầu ngày quan sát, hòa mình cùng hoạt động tâm linh truyền thống này để cảm nhận tinh thần từ bi, hỉ xả của đạo Phật. Cách di chuyển chậm rãi, tiếng cầu kinh khe khẽ không chỉ nhân thêm nét yên ả cho cố đô mà còn cảm hóa lòng người, giúp quên đi những lo toan, ồn ào đời thường “sống chậm” đúng nghĩa.

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.