Mở cửa du lịch an toàn, sớm, nhanh và hiệu quả

Thứ Sáu, 12/11/2021, 19:52 [GMT+7]
In bài này
.

Các DN bày tỏ sẵn sàng cộng hợp nguồn lực công-tư trong việc xây dựng giải pháp, hành động để từng bước mở cửa trở lại du lịch nói chung và thí điểm hiệu quả việc mở cửa du lịch quốc tế.

Mở cửa an toàn, sớm, nhanh và hiệu quả là cơ hội bứt phá của các quốc gia sau đại dịch.  Trong ảnh: Vịnh Hạ Long, điểm tham quan hàng đầu châu Á.
Mở cửa an toàn, sớm, nhanh và hiệu quả là cơ hội bứt phá của các quốc gia sau đại dịch. Trong ảnh: Vịnh Hạ Long, điểm tham quan hàng đầu châu Á.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành du lịch Việt Nam, làm chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình ấn tượng trên 22,7%/năm về lượng khách quốc tế, 10,5% về lượng khách nội địa, 20,9% về giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch và 9,2 điểm phần trăm mức đóng góp trực tiếp cho GDP (giai đoạn 2015-2019). Kéo theo đó là tình trạng hàng chục ngàn DN bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.

DN du lịch ủng hộ chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình DN du lịch trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 4 và đề xuất giải pháp mở cửa du lịch dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới mới đây, Ban IV cho biết, các DN du lịch, dịch vụ du lịch vẫn đánh giá rất cao các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt ủng hộ sự chuyển hướng chiến lược của Chính phủ thời gian qua, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế.

Các DN bày tỏ sẵn sàng cộng hợp nguồn lực công-tư trong việc xây dựng giải pháp, hành động để từng bước mở cửa trở lại du lịch nói chung và thí điểm hiệu quả việc mở cửa du lịch quốc tế tại một số địa bàn có tính an toàn theo chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, những hướng dẫn tạm thời về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của Bộ VH-TT-DL.

Từ khảo sát về tình hình hoạt động của các DN do Ban IV thực hiện và tổng hợp, đánh giá các kinh nghiệm mở cửa du lịch của một số nước do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với các chuyên gia của Phái đoàn liên minh châu Âu và chuyên gia Thụy Sỹ tiến hành, Ban IV đã đề xuất với Thủ tướng nhiều nội dung để hỗ trợ các DN, đồng thời từng bước tạo lập kế hoạch khả thi cho việc mở cửa, phục hồi ngành du lịch thời gian tới, trong đó có việc xem xét giải pháp thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023 dành riêng cho các DN khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch...

Việt Nam sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. Du khách bắt buộc tuân thủ các quy định y tế và phải có BHYT hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19. Theo đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 20/11-20/12. Kiên Giang là tỉnh đầu tiên triển khai theo các chương trình du lịch trọn gói. Tiếp đó là Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và đến tháng 12/2021 tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 1/2022. Giai đoạn 3 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Mở cửa an toàn, sớm, nhanh và hiệu quả

Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng và các bộ, ngành cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí cho DN du lịch, dịch vụ du lịch gắn với quá trình và mức độ phục hồi, tập trung vào các biện pháp như giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động; giảm thuế GTGT, thuế TNDN...; hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian từ 12-18 tháng hoặc dài hơn; hoãn đóng và giãn tỷ lệ đóng BHXH, đặc biệt trong những giai đoạn cần thu hút trở lại và ổn định nguồn lao động cho ngành; giảm tiền thuê đất của nhà nước...

Riêng về bài toán người lao động, thời gian tới đây, các DN vừa phải tập trung tuyển dụng lại, vừa phải nỗ lực đào tạo lại hoặc đào tạo mới các kiến thức, kỹ năng, kỷ luật cần thiết cho việc vận hành các mô hình, sản phẩm du lịch phù hợp bối cảnh đại dịch. Ban IV đề xuất Thủ tướng, Bộ LĐ-TB-XH hỗ trợ ngành du lịch theo hướng bỏ các yêu cầu, giấy tờ chứng minh mức độ thiệt hại hoặc mức độ cắt giảm lao động của DN, hoặc giấy tờ chứng minh “không đủ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng lao động” vì toàn ngành du lịch đã và đang là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mọi nghiên cứu của Chính phủ, bộ, ngành đầu mối hoặc các báo cáo nghiên cứu độc lập thời gian qua...

Về bài toán mở cửa du lịch và du lịch quốc tế an toàn, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước thành công khi mới áp dụng mô hình mở cửa du lịch, đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới” đều là những nước đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhưng chính phủ các nước này vẫn tiếp tục duy trì mở cửa vì đó là một xu hướng tất yếu sau khủng hoảng.

Tuy số ca nhiễm tăng cao nhưng độ phủ vaccine cũng cao, tốc độ tiêm chủng nhanh khiến số ca tử vong lại giảm (như Anh, Singapore...); phần lớn nhóm người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch và những nhóm người nguy cơ cao trong xã hội hoặc tại các điểm đến du lịch trọng điểm nên đã được tiêm chủng và du lịch là ngành đóng góp vào GDP cao mà phần lớn đóng góp đó lại được giữ lại trong nước, là nền tảng cho đầu tư, thương mại, hợp tác quốc tế và tạo ra sinh kế cho hàng triệu lao động nên quá trình phục hồi nền kinh tế không thể thiếu được các bước, lộ trình mở cửa trở lại lĩnh vực quan trọng này.

“Mở cửa an toàn, sớm, nhanh và hiệu quả là cơ hội bứt phá của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, khi chúng ta đã và đang kiểm soát dịch bệnh tốt hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Mở cửa sẽ là một quá trình và khi một quốc gia bắt đầu sớm, sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi sớm hơn các đối thủ, tạo được sự tin tưởng và ủng hộ lâu dài của các đối tác quốc tế. Điều kiện tiên quyết là việc tổ chức mở cửa cho du lịch phải rất linh hoạt nhưng rõ ràng về phương pháp; đồng thời, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chuyên nghiệp giữa công-tư ở từng khâu, từng bước liên quan tới hành trình của du khách”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nói.

Trên cơ sở các phân tích trên, Ban IV cho rằng điều hết sức quan trọng là có một kế hoạch khả thi nhưng linh hoạt và rõ ràng về phương pháp cũng như rõ quy trình, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan để tạo sự phối hợp nhịp nhàng, hạn chế tối đa các mặt rủi ro.

Đơn vị này đề xuất với Thủ tướng chủ trì thảo luận, đối thoại, bàn thảo quanh chiến lược, lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam; căn cứ vào đó để xác lập và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa phương liên quan, hiệu triệu và giao vai trò cho cả khu vực DN để tiến trình mở cửa diễn ra khả thi, an toàn, hiệu quả.

KHÁNH HẰNG 

(Tổng hợp)

;
.