Được làm nghề yêu thích, còn hạnh phúc nào bằng!

Thứ Sáu, 12/11/2021, 19:51 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là chia sẻ của nhiều lao động ngành du lịch sau nhiều tháng thất nghiệp do dịch COVID-19. Được trở lại với công việc trong lúc này với họ là may mắn vì vừa có thu nhập bảo đảm cuộc sống, vừa là cơ hội làm nghề yêu thích.

Trần Thị Yến Ngọc (bìa phải) pha chế cà phê tại The Grand Hồ Tràm Resort & Casino.
Trần Thị Yến Ngọc (bìa phải) pha chế cà phê tại The Grand Hồ Tràm Resort & Casino.

Tích thêm kinh nghiệm

Đặng Thị Ngọc Lam đã làm việc tại Minera Hot Springs Bình Châu được 7 năm. Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trong cộng đồng, Minera Hot Springs Bình Châu tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, bất đắc dĩ Lam cũng thất nghiệp. Mất việc, dù công ty vẫn trợ cấp song cuộc sống của Lam rất khó khăn. Khi tỉnh cho phép Minera Hot Springs Bình Châu thí điểm đón khách khép kín, Lam nằm trong nhóm 170 nhân viên được gọi trở lại làm việc.

Sau hơn 4 tháng, được quay lại với công việc quen thuộc, Lam thấy mình thật may mắn. Lam kể, ngày đầu gặp lại đồng nghiệp ai cũng vui mừng. Thế nhưng, tất cả phải kìm nén cảm xúc vì thực hiện quy định giãn cách phòng dịch. Quá trình tham gia phục vụ khách, ai cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt 5K, luôn để mắt nhắc nhở du khách tuân thủ quy định phòng dịch… “Có việc làm trong lúc này là may mắn, nên tôi luôn dặn lòng phải kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn nhằm bảo đảm an toàn cho du khách cũng như bản thân”, Lam nói. 

Cùng trở lại làm việc chung với Lam, Huỳnh Ngọc Thanh, quản lý bộ phận nhà hàng Minera Hot Springs Bình Châu chia sẻ, trong 10 năm gắn bó với nghề du lịch, Thanh chưa bao giờ phải nghỉ ở nhà nhiều như đợt dịch vừa qua. Trong thời gian nghỉ dịch, Thanh luôn chuẩn bị về tâm lý, tự trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ khách trong bối cảnh dịch bệnh.

Đến nay, sau gần 1 tháng tham gia quy trình phục vụ khách khép kín, Thanh cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm phục vụ khách an toàn trong mùa dịch. Thanh cũng nhận thấy du khách có thay đổi về thói quen đi du lịch. Chẳng hạn họ ngại tập trung đông người, thích đến nơi vắng vẻ, hoang sơ, có nhiều cây xanh thư giãn du lịch cùng gia đình. Tinh thần vui vẻ, phấn chấn của du khách là động lực và niềm khích lệ tinh thần giúp Thanh thêm yêu nghề. Song trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, Thanh cũng sẵn sàng tâm lý nếu tình huống bất ngờ xảy ra.

Quyết tâm gắn bó với nghề

Không chỉ Lam, Thanh, với người làm nghề du lịch, xoay trở trong dịch chẳng dễ dàng gì, nhưng khi được hỏi nếu có cơ hội thay đổi có chọn nghề khác không, hầu hết đều trả lời không.

Từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát nhiều lần trong cộng đồng khiến công việc bị gián đoạn nhiều lần, nhưng Trần Thị Yến Ngọc, phụ trách The Grand Café thuộc The Grand Hồ Tràm Resort & Casino chưa từng có ý nghĩ đổi nghề. Yến Ngọc chia sẻ, ít có nghề nào được rộng mở trong giao tiếp như du lịch. Hơn nữa, trong phục vụ khách người làm nghề du lịch luôn phải giữ tinh thần, nét nét mặt niềm nở, chính thói quen này giúp cô tươi trẻ hơn. “Ngoài ra, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino chăm lo tốt các chế độ phúc lợi cho người lao động. Những tháng nghỉ dịch dù resort không có khách nhưng nhân viên vẫn được trả lương đầy đủ, vì vậy không có cớ gì để tôi hết mê nghề du lịch cả”, Yến Ngọc nói.

Ông Hoàng Xuân Lộc, chủ nhà hàng Sông Rạch Hào (QL51, khu phố 2, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) cũng chia sẻ, để tồn tại trong dịch không hề dễ, song trót đam mê nghề nên phải cố gắng. Từ thế mạnh kinh doanh ăn uống, ông Lộc chuyển hướng mở khách sạn cách ly có thu phí cho các đối tượng buộc phải cách ly theo quy định. Ban đầu là 1 khách sạn, rồi đến 2, 3 và 4. “Tôi đang tạo việc làm cho 200 lao động với mức thu nhập thấp nhất 12 triệu đồng và cao nhất trên 40 triệu đồng/người/tháng”, ông Lộc cho hay.

Cùng với cả nước, BR-VT đang mở cửa dần các hoạt động du lịch. Điều này hứa hẹn mở ra cơ hội cho lao động ngành du lịch được quay lại công việc quen thuộc, có thu nhập trang trải cuộc sống và giữ lửa yêu nghề. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.