Du lịch BR-VT hướng đến phát triển bền vững
Thời gian qua, với hệ thống cơ sở vật chất và chuỗi dịch vụ được quan tâm đầu tư, du lịch BR-VT tiếp tục đà tăng trưởng tốt và ngày càng tạo được niềm tin với du khách trong nước, quốc tế. Hiện nay, BR-VT đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng cao và bền vững.
QUAN TÂM ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT, HẠ TẦNG CHO DU LỊCH
Theo thống kê của Sở Du lịch, giai đoạn 2008-2017, lượng khách du lịch đến BR-VT tăng trưởng bình quân 12,9%/năm; tổng doanh thu du lịch tăng bình quân hơn 15,9%/năm. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đón 6,5 triệu lượt du khách, trong đó 1,78 triệu lượt khách lưu trú, tăng 13,1% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 2.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú đạt 1.187 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Nhân viên KDL Six Senses Côn Đảo sàng cát, làm sạch bãi tắm mỗi ngày.
|
Tính đến nay, toàn tỉnh có 128 dự án du lịch (trong đó có 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 109 dự án đầu tư trong nước) với diện tích 2.705ha, vốn đầu tư đăng ký 9,147 tỷ USD và 35.075 tỷ đồng. Các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực Chí Linh - Cửa Lấp (TP.Vũng Tàu), dọc 2 bên tuyến đường ven biển từ Long Điền- Đất Đỏ đến Xuyên Mộc, khu vực Núi Dinh và huyện Côn Đảo. Đáng chú ý, những resort, nghỉ dưỡng hạng sang, tầm cỡ khu vực đi vào hoạt động ngày càng nhiều. Các dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của khách chi tiêu cao cũng phong phú hơn. Năm 2012, khu nghỉ dưỡng phức hợp The Grand - Hồ Tràm Strip hoạt động với 549 phòng cùng nhiều dịch vụ như: casino, sân golf, khu mua sắm, ẩm thực, giải trí cuối tuần.
Cũng trong năm đó, tuyến ven biển có thêm 2 resort 4 sao: Vietsovpetro Resort, Carmelina Beach Resort. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, tuyến ven biển qua địa bàn huyện Đất Đỏ có thêm 3 resort mới, dịch vụ cao cấp như: Lan Rừng Phước Hải, Oceanami Villas & Beach Club, Ocean Ward, đã góp phần nâng đẳng cấp du lịch cho Đất Đỏ nói riêng và du lịch BR-VT nói chung. Bên cạnh đó, gần đây, nhiều chủ đầu tư đang mạnh tay đổ vốn xây dựng KDL, resort, khách sạn, condotel với chất lượng, tiêu chuẩn cao cấp. Chẳng hạn, The Grand Hồ Tràm Strip đã hoàn thành phần thô tòa khách sạn thứ 2 có 559 phòng; khởi công khu condotel, xúc tiến thủ tục đầu tư xây sân bay chuyên dùng.
Các dự án: The Hamton Hồ Tràm, Bình Châu Lagoon cũng đang được ráo riết thi công để sớm đưa vào khai thác. KDL Sài Gòn-Bình Châu cũng đang khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư khu tắm khoáng nóng tiêu chuẩn Nhật Bản trị giá 500 tỷ đồng trong năm nay. Ông Ngô Bá Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Bình Châu, chủ đầu tư KDL Sài Gòn-Bình Châu cho hay: “Quan sát thị trường, DN nhận thấy lượng khách du lịch mong muốn được tận hưởng dịch vụ đẳng cấp, chất lượng cao ngày càng nhiều. Do đó, trong 2 năm 2016-2017, chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu kỹ mô hình, công nghệ tắm khoáng nóng tiêu chuẩn Nhật Bản để đầu tư tại KDL Sài Gòn-Bình Châu”.
Du khách nghỉ dưỡng tại KDL Alma Oasis Long Hải (huyện Long Điền).
|
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Nếu như trước đây, các DN du lịch chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có từ biển, ít chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững thì hiện nay vấn đề này đã được nhiều DN quan tâm và có chiến lược đầu tư phát triển đồng bộ, lâu dài. Thời gian qua, nhiều KDL duy trì thói quen cho nhân viên tổ chức nhặt rác, làm sạch bãi biển định kỳ hàng tuần, hàng ngày. Một số KDL bắt đầu chuyển sang sử dụng vật liệu từ tự nhiên trong xây dựng, thay thế túi nilon bằng túi giấy, túi vải, đặt thêm nhiều thùng rác, vận động khách bỏ rác đúng nơi quy định.
Không chỉ quan tâm bảo vệ môi trường, các KDL, cơ sở lưu trú không ngừng bổ sung, chăm chút dịch vụ ngày càng đủ đầy hơn. Ở hầu hết khách sạn đều cung ứng chuỗi dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ cho khách. Ngoài ra, các tiện ích bổ sung như: Wifi, bar, ẩm thực nướng về đêm, phòng trà, quầy lưu niệm, tổ chức tour tham quan… cũng được chú trọng. Một số DN còn bắt tay liên kết thành nhóm cung ứng dịch vụ liên hoàn dưới nhiều hình thức như: Sử dụng dịch vụ tại bất kỳ một DN trong nhóm sẽ được giảm giá hoặc tặng dịch vụ của các DN cùng liên kết, tặng voucher và nhiều ưu đãi bất ngờ…
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, hiện nay, BR-VT đang tập trung phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng cao và bền vững. 6 tháng đầu năm 2018, nhiều đề án, kế hoạch của ngành du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao; Kế hoạch triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; Đề án bảo đảm môi trường trong hoạt động du lịch; Hội nghị xúc tiến đầu tư vào du lịch…
Ông Trịnh Hàng nhấn mạnh: “Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: Hoàn thiện Đề án phân cấp quản lý Nhà nước về du lịch; Thử nghiệm hoạt động phần mềm du lịch thông minh; Xây dựng Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; Trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn; Nghiên cứu Đề án du lịch cộng đồng; Lắp đặt nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh… để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA