Khám phá Hồ Cốc
Hồ Cốc được du khách biết đến với những bãi biển hoang sơ, resort, KDL trữ tình, đẳng cấp. Thế nhưng, nếu để ý, du khách sẽ thấy có một tên gọi khác để chỉ địa danh này: Hồ Cóc. Vậy hai tên gọi ấy xuất phát từ đâu? Và gọi Hồ Cốc hay Hồ Cóc mới đúng?
Du khách tham gia trò chơi kéo co ở Hương Phong - Hồ Cốc Beach Resort. Ảnh: GIA AN |
TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN
Hồ Cốc là rẻo đất ven biển thuộc ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. Theo hai cụ bà tuổi ngoài 80 sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, bà Vũ Thị Hòa (ấp 1, xã Bưng Riềng) và bà Nguyễn Thị Hoa (ấp Trang Định, xã Bông Trang), gọi Hồ Cốc hay Hồ Cóc đều đúng. Từ nhỏ, bà Hòa và bà Hoa đã nghe người lớn kể câu chuyện truyền thuyết về địa danh này: thuở hồng hoang, có một năm trời khô hạn, các ao hồ sông suối nứt nẻ, chim muông, vạn vật thiếu nước uống, cỏ cây khô héo. Họ hàng nhà cóc họp bàn tính kế lên kiện ông trời cho mưa xuống cứu muôn loài. Nhưng để lên được trời, cóc phải bơi qua biển cả mênh mông. Họ nhà cóc miệt mài ngày đêm ra biển tập luyện lặn ngụp nhưng không thể nào vượt biển. Cóc Chúa thấy thế buồn rầu chỉ biết ngồi nhìn biển ngày đêm rồi hóa đá lúc nào không hay. Từ thiên đình, Ngọc Hoàng cảm kích tâm ý của họ nhà cóc, bèn sai thần mưa cho mưa xuống cứu muôn loài. Vì thế, vùng đất này gọi là Hồ Cóc.
Từ câu chuyện truyền thuyết trên, KDL Sài Gòn - Hồ Cóc đã tạc tượng 2 con cóc đá, một con hướng ra biển, một con quay về núi theo hình tảng đá mồ côi ngay trên bãi biển. “Hai tảng đá này nguyên thủy đã mang dáng hình con cóc. Chúng tôi chỉ can thiệp, chỉnh sửa chút ít đường nét, hình hài cho cóc có thần thái hơn”, ông Ngô Bá Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Bình Châu, chủ đầu tư KDL Sài Gòn-Hồ Cóc cho biết.
Một câu chuyện lưu truyền khác cho rằng, biển nơi đây ăn sâu vào đất liền tạo thành hình vòng cung như vịnh nước phẳng lặng tựa mặt hồ. Trên rừng cây cóc chiếm đa số trong quần thể cây rừng. Tên gọi Hồ Cóc có từ đó. Ngày nay trong khuôn viên các KDL Sài Gòn - Hồ Cóc, Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort, cây cóc rừng vẫn còn khá nhiều, là minh chứng cho truyền thuyết này. Còn chữ “cóc” trong truyền thuyết cóc hóa đá và “cóc” trong cây cóc rừng được đọc trại thành “cốc” là do cách phát âm của cư dân sinh sống ở đây chủ yếu là người miền Trung, từ Huế đến Hà Tĩnh.
Không gian xanh mát ở Hương Phong - Hồ Cốc Beach Resort. Ảnh: GIA AN |
ĐIỂM DU LỊCH HÚT KHÁCH
Dù lý giải bằng cách nào thì biển Hồ Cốc vẫn luôn thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về, bởi vẻ đẹp hoang sơ cùng bãi cát trắng, biển xanh quanh năm hiền hòa. Từ làng chài nghèo ven biển, ngày nay Hồ Cốc đã vươn mình phát triển bởi hệ thống giao thông thuận tiện, nhiều KDL, resort sang trọng, đẳng cấp được mở ra. Cuối tuần, lễ, tết, đường ven biển tấp nập xe cộ nối đuôi đưa khách đến Hồ Cốc nghỉ dưỡng, tắm biển. Các KDL trong vùng như Sài Gòn - Hồ Cóc, Hương Phong-Hồ Cốc Beach Rosort, Viễn Đông-Hồ Cốc, Biển Xanh… luôn tấp nập du khách và thường “cháy phòng” vào cuối tuần, lễ, tết.
Người dân xã Bưng Riềng nói chung, người dân Hồ Cốc nói riêng không chỉ tự hào vì quê hương mình có một thắng cảnh độc đáo, trở thành điểm dừng chân của khách du lịch mà còn vui mừng vì cuộc sống ngày càng khởi sắc hơn nhờ làm du lịch. Anh Nguyễn Văn Lập (ở ấp 1, xã Bưng Riềng) 16 năm làm cứu hộ tại Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort chia sẻ, trước đây vợ chồng anh sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ nên thu nhập bấp bênh. Nhờ bơi lội giỏi, năm 2002, anh xin vào làm cứu hộ tại Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort. Sau giờ làm, anh còn nuôi heo, gà, cộng với mức lương 6 triệu đồng/tháng từ công việc cứu hộ bờ biển nên kinh tế ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng, các KDL, resort phát triển ở Hồ Cốc là đòn bẩy thúc đẩy dịch vụ thương mại địa phương phát triển. Xã Bưng Riềng có 1.379 người trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên tổng số 6.000 dân. Cách đây 5 năm, con số này chỉ khoảng một nửa. Mức thu nhập bình quân đạt 39,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần so với năm 2010. Các resort, KDL ở Hồ Cốc đã giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. “Chúng tôi tiếp tục động viên con em sinh sống trên địa bàn học những ngành nghề liên quan đến du lịch, dịch vụ, thương mại… để dễ có việc làm gần nhà. Bên cạnh đó, địa phương cũng định hướng phát triển nông nghiệp với các loại cây ăn quả như: thanh long, nhãn xuồng cơm vàng, măng cụt, sầu riêng, bơ, nuôi gà, heo sạch phục vụ cho du lịch”, ông Long cho biết.
ĐAN CHÂU