Năm 2018, thị trường khách nào sẽ đến Việt Nam đông nhất?
Theo các chuyên gia du lịch, nhờ đà tăng trưởng mạnh trong 2 năm 2016-2017, du lịch Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, thị trường Đông Bắc Á, Tây Âu… tiếp tục là thị trường khách tiềm năng của du lịch Việt Nam.
DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG TRÊN 20%
Các chuyên gia dự báo, năm 2018, du lịch Việt Nam sẽ tăng trưởng 26-27%. |
Năm 2017, Việt Nam đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 29% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Lần đầu tiên, Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ này.
Các chuyên gia du lịch nhận định, với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm 2016 và 2017, ngành du lịch vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2018. Dù có thể khó đạt được mức tăng gần 30% như năm nay, song du lịch vẫn có thể trở thành điểm sáng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 26-27%. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Năm 2018, chắc chắn du lịch vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam có thể sẽ giảm dần. Bởi lẽ, những thị trường có thể tăng nhanh thì đã tăng rồi, nếu không có những hành động quyết liệt ở những thị trường mới thì khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ như 2 năm vừa qua”.
Đồng tình với nhận định này, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Hanoitourist cho rằng, với những kết quả đạt được trong năm 2017, ngành du lịch còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, ngành du lịch cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng và số lượng nguồn nhân lực để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện phát triển du lịch Việt Nam nhận định, với đà tăng trưởng trong 2 năm qua và dư địa còn lớn, du lịch trong năm 2018 và một vài năm tới vẫn sẽ tăng trưởng tốt, vào khoảng 26-27%.
ĐÂU LÀ THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC?
Các chuyên gia du lịch đánh giá, trong năm 2018, thị trường Đông Bắc Á với 4 nguồn quan trọng: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan vẫn là thị trường chủ lực của du lịch Việt Nam. Trong năm 2017, khách đến từ thị trường Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng tốt, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường dẫn đầu lượng khách đến Việt Nam với việc lần lượt đạt hơn 4 triệu lượt khách (tăng 48,6%) và hơn 2,4 triệu khách (tăng 56,4%). Tuy nhiên, sự tăng trưởng nào cũng có giới hạn, chúng ta không thể kỳ vọng cái gì là mãi mãi đối với 1-2 thị trường được. Vì vậy, những thị trường tiềm năng hiện nay trội lên, hứa hẹn sự tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình như thị trường Tây Âu, là thị trường ổn định, hầu như không có suy giảm, ít bị ảnh hưởng bởi những biến cố trên thế giới. Do vậy, nếu Việt Nam đẩy mạnh được thị trường này thì tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định.
Ngoài ra, thị trường Bắc Mỹ cũng đầy tiềm năng mà du lịch Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Năm 2017, Việt Nam đón hơn 700 ngàn lượt khách Bắc Mỹ, trong đó có nhiều bà con người Việt ở nước ngoài. Đây là con số còn khiêm tốn nếu so với tổng số 80 triệu khách Mỹ đi du lịch nước ngoài trong năm qua. Điều này thể hiện thị trường Bắc Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ với du lịch Việt Nam, trong khi đây lại là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam trong tương lai.
Một thị trường hấp dẫn khác đối với du lịch Việt Nam là Úc. Tuy đây là thị trường có dân số không cao, song số lượng người Úc đi du lịch nước ngoài lại lớn. Nếu chúng ta tính tỷ trọng số lượng người Úc sang Việt Nam khoảng 400 ngàn mỗi năm so với dân số 20 triệu người của họ thì thấy con số đó có thể đạt được và Việt Nam có khả năng nâng lượng khách này lên gấp đôi trong vài năm tới. Cũng theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, thị trường Ấn Độ là thị trường rất hấp dẫn với du lịch Việt Nam với số lượng dân số khổng lồ. Tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đạt khoảng 200-300 triệu người, là nguồn khách rất lớn mà du lịch Việt Nam chưa khai thác hiệu quả.
Đây là những thị trường tiềm năng trong tương lai của du lịch Việt Nam. Chỉ khi nguồn khách đến từ những thị trường này tăng lên thì mới có thể góp phần đưa lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng lên 20 triệu lượt như mong muốn của Chính phủ và của ngành du lịch.
LÂM MINH