Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm xã hội
Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06) đã triển khai hơn 1 năm. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi đối với bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh việc triển khai thực hiện đề án này trên địa bàn tỉnh.
● Phóng viên: Qua hơn 1 năm triển khai Đề án 06, việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đã mang lại hiệu quả như thế nào, thưa bà?
- Bà Nguyễn Hồng Hạnh: Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh về việc triển khai Đề án 06, BHXH tỉnh đã thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 do Giám đốc BHXH tỉnh làm Tổ trưởng, các thành viên là lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH trực thuộc. Đồng thời, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện. Chúng tôi phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã xác thực gần 898 ngàn thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư (đạt 89,2%); hướng dẫn hơn 300 ngàn người tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Đến nay đã có 119 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp (đạt 100%) với hơn 274 ngàn lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT... BHXH tỉnh đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 6.836 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Viên chức BHXH tỉnh hướng dẫn người dân tham gia BHXH, BHYT tạo tài khoản VssID. |
● Theo bà, những thay đổi, lợi ích đem lại đối với cơ quan BHXH và người dân, DN từ khi thực hiện Đề án 06 đến nay là gì?
- Đề án 06 đã tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, DN. Qua hơn 1 năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, giúp các cơ quan chức năng chuẩn hóa dữ liệu phục vụ cho việc quản lý, cải cách, liên thông thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ công dân.
Nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành đã giúp chuẩn hóa dữ liệu. Nguồn cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, là cơ sở cho bước đột phá trong công tác quản lý và cải cách, liên thông thủ tục hành chính.
Việc thay đổi phương thức quản lý từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hồ sơ điện tử, quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân cũng giúp tiết kiệm thời gian, giảm áp lực do khối lượng công việc lớn của cán bộ, viên chức ngành BHXH, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; đảm bảo quyền lợi ích của người dân, tổ chức và DN.
● Trong thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện những nội dung trọng tâm nào để bảo đảm tiến độ đề án đề ra, thưa bà?
- BHXH tỉnh cũng xác định chuyển đổi số là quá trình lâu dài, khối lượng công việc còn nhiều. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ đề ra, BHXH tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên và sự phối hợp của các sở, ngành.
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với công an các cấp trên địa bàn hoàn thành việc xác thực CSDL Quốc gia về bảo hiểm với CSDL Quốc gia về dân cư. BHXH tỉnh bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh phối hợp với các sở ngành triển khai thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư; sổ Sức khỏe điện tử.
Song song đó, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tiếp cận và sử dụng các tiện ích mà đề án mang lại, nhằm tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
● Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
QUANG LÊ
(Thực hiện)