Nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng
Ngày 13/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND Tối cao năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra. Ảnh: AN ĐĂNG |
Tội phạm có tổ chức, trên không gian mạngtăng mạnh
Theo báo cáo, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Năm 2024, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng. Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,9%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%... Một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong Nhân dân.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu lưu ý vấn đề tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp. Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương.
Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, quản lý thông tin cá nhân, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Tuy nhiên, năng lực phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này tại một số địa phương còn hạn chế, không theo kịp diễn biến tình hình.
Trao đổi tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng cho biết, nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm về tham nhũng, kinh tế gia tăng; tội phạm trên không gian mạng rất khó xác minh, xử lý. Đây là áp lực rất lớn với các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, một bộ phận người dân không có việc làm, thất nghiệp, thiếu hiểu biết pháp luật… nên dẫn đến vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; nhiều mâu thuẫn âm ỉ trong Nhân dân, tại cơ sở dẫn đến phát sinh nguy cơ phạm tội.
Thời gian qua, lực lượng công an đã tập trung đấu tranh với tội phạm lừa đảo tài sản, trong đó có những đường dây có móc nối với người nước ngoài để lừa đảo. Về tội phạm ma túy, Bộ Công an đã đấu tranh, triệt phá những chuyên án lớn, tập trung bắt các đối tượng cầm đầu chủ mưu, chứ không chỉ “cắt khúc” trong xử lý; nhiều chuyên án đã bắt được các đối tượng điều hành đường dây ở nước ngoài.
Bên cạnh đó là triển khai công tác “làm sạch” ma túy ở các xã biên giới, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người dân để giảm thiểu nguy cơ tội phạm.
Cần giải pháp đột phá phòng, chống tham nhũng
Cũng theo báo cáo, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được cơ quan chức năng phát hiện là 936 vụ, tăng 37,85%. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Thực trạng này là một trong các yếu tố dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật; cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm; đồng thời có thể dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi.
Việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm còn chậm. Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Từ đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
LAN ĐỨC