.

Quốc hội xem xét một số nội dung Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Cập nhật: 09:40, 26/10/2023 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội xem xét việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 53) về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: Theo quy định tại Điều 35 và khoản 3 Điều 43 của Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh các nội dung của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của Nghị quyết số 53 và với đề nghị điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 53, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.

Việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn, còn các nội dung đề nghị điều chỉnh khác của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư công vì không làm tăng tổng mức đầu tư Dự án, không tăng diện tích đất thu hồi là phù hợp. Việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đề nghị đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Hồ sơ đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát toàn diện, bảo đảm căn cứ pháp lý, đơn giá áp dụng, đối chiếu bảo đảm tính thống nhất và tính chính xác của các số liệu giữa Tờ trình và Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh Dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí việc kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho Dự án.

Đối với đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và báo cáo Quốc hội về nội dung này.

Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công đến ngày 31/12 năm sau. Theo đó, việc kéo dài thời gian thực hiện số vốn của Dự án tối đa là đến ngày 31/12/2022, đến nay đã hết thời hạn cho phép kéo dài theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, theo quy định tại Điều 64 của Luật Ngân sách nhà nước, các khoản dự toán chi, đến hết năm ngân sách, kể cả thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ. Do đó, việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết và đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ thêm số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.

Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với nội dung kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 558/TTr-CP để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 như sau: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024”.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp

Tiếp theo nội dung trên, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Kỳ họp Thứ 6 gồm 10 Chương, 86 Điều.

Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước, đồng thời bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại khoản 1 Điều 3.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về bảo vệ nguồn nước mặt, trong đó có bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, đã được quy định riêng tại Điều 21. Đồng thời, đã bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể như: Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; việc trám lấp giếng khi không còn sử dụng và không có kế hoạch tiếp tục sử dụng để bảo vệ nước dưới đất tại khoản 1 Điều 31; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66; đồng thời đã chỉnh lý quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cơ chế tài chính cho hoạt động này; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm và thể hiện như tại Điều 34, Điều 73 và Điều 74 dự thảo Luật.

            Về điều hoà, phân phối tài nguyên nước (mục 1 Chương IV), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thấy rằng, điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hoạt động quan trọng để bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy định của Luật Tài nguyên nước và các luật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành. Vì vậy, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo Luật; đồng thời dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước tại khoản 1 Điều 36; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác tại khoản 2 Điều 36.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (mục 2 Chương IV), dự thảo Luật đã tách riêng nội dung quy định về khai thác tài nguyên nước và sử dụng nước cho các mục đích khác nhau, được thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật. Cụ thể: Điều 41, Điều 42 quy định chung cho cả đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Điều 43 đến Điều 47 quy định riêng cho đối tượng chỉ khai thác tài nguyên nước và Điều 48, Điều 49 quy định cho đối tượng sử dụng nước và bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước … tại Điều 55 dự thảo Luật; đồng thời dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai như quy định tại khoản 2 Điều 52 nhằm quản lý chặt chẻ việc khai thác nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 9 Điều 52. Tại khoản 3 Điều 85 dự thảo Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực của quy định này từ 01/7/2026, tức là 02 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi.

Về Tuần hoàn, tái sử dụng nước và công cụ kinh tế về tài nguyên nước (Chương VII), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta: (1) Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khoản 1 Điều 59; (2) Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước thải đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật tại khoản 5 Điều 59; và (3) Bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải quy định tại khoản 4 Điều 59. Đồng thời, bổ sung quy định ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khoản 6 Điều 59 và khoản 3 Điều 73 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hóa nội dung kinh tế nước tại Chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước và quy định một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều 70 quy định về dịch vụ về tài nguyên nước, Điều 71 quy định về hạch toán tài nguyên nước và Điều 74 về xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 79), của UBND các cấp (Điều 80), dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật, đồng thời đã rà soát, chỉnh lý, hạn chế tối thiểu quy định trách nhiệm của UBND cấp xã cho phù hợp chức năng và điều kiện nguồn lực của cấp này; bỏ các quy định về giải quyết tranh chấp đảm bảo thống nhất với pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng và thể hiện lại như khoản 3 Điều 80 dự thảo Luật.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), sau đó Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

.
.
.