.
KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm

Cập nhật: 18:10, 24/10/2023 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Phát biểu thảo luận Tổ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào sáng 24/10, về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và một số nội dung khác, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình, để có giải pháp thích ứng linh hoạt hiệu quả hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế đất nước năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; hoạt động đối ngoại được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức 3% (3,36%) dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ giá đã có những biến động mạnh trong tháng 8/2023, đỉnh điểm có lúc Việt Nam đồng mất giá 2,3% so với đầu năm, đây là vấn đề cần quan tâm theo dõi, đặc biệt trong bối cảnh FED vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt.

Kiểm soát chặt giá cả thị trường

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, mặc dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng nếu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, thì quý 4 cần tăng 7% (quý 4/2022 tăng 5,92%); Trường hợp phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, thì quý 4 cần tăng 8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế ở 3 tháng cuối năm.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung: Kiểm soát chặt giá cả thị trường, có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài; có cơ chế kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; có giải pháp quản lý, ổn định giá vàng trong nước.

THÔNG QUA DANH SÁCH 44 NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM
Chiều 24/10, với 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội nhất trí thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp này. Theo chương trình, sáng 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm nêu rõ, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm các trường hợp sau: ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước; ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm, có biện pháp bảo đảm nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm. Trong đó cần quan tâm các nội dung kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì kết quả thương mại bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch, lộ trình và các giải pháp xử lý các tồn đọng, vướng mắc về thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Hiện nay lỷ lệ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN còn rất thấp. Cho nên, đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN này. Đồng thời xây dựng lộ trình kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng, đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu tăng và có giải pháp khắc phục theo hướng cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025…

NGỌC NGUYỄN

.
.
.