Bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước
Ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước và dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN |
Thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt khi người dân tự nguyện
Thảo luận về dự thảo Luật Căn cước vào sáng 25/10, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) đề nghị chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt theo hướng khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Quan tâm đến an toàn thông tin, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, quy định tại dự thảo Luật Căn cước có lưu trữ, tích hợp nhiều thông tin của công dân. Người dân có thể sử dụng thẻ này để thực hiện nhiều giao dịch theo nhu cầu. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để đọc thông tin trong thẻ vật lý.
“Như vậy, thiết bị này có do cơ quan nhà nước cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hay không để bảo đảm về chất lượng, kỹ thuật, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin”, đại biểu Trần Thị Kim Nhung nói.
Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, về bảo mật thông tin được tích hợp, lưu trữ trên thẻ căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể theo dõi việc sử dụng thẻ thông qua QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước.
“Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Bảo đảm bí mật thông tin
Cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) vào chiều 25/10, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật cơ bản đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết theo quy định hiện hành, người sử dụng dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông đã thể hiện rõ việc thu thập thông tin phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định: Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi DN viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ,
NHẬN ĐƯỢC 437 PHIẾU TÍN NHIỆM CAO Chiều 25/10, với 470 đại biểu tán thành (bằng 95,14%) trong tổng số 472 ĐBQH tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp với 44 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm. Trước đó vào buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả, ở Khối Quốc hội, người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông nhận được 437 phiếu tín nhiệm cao, 32 phiếu tín nhiệm và 11 phiếu tín nhiệm thấp.
Ở Khối Chính phủ, người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Ông nhận được 448 phiếu tín nhiệm cao, 29 phiếu tín nhiệm và 4 phiếu tín nhiệm thấp.
Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong các khối là ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ông nhận được 241 phiếu tín nhiệm cao, 166 phiếu tín nhiệm và 72 phiếu tín nhiệm thấp.
|
Theo đại biểu Dương Tấn Quân, quy định như vậy chưa phù hợp. Do vậy, cần cân nhắc theo hướng không nên quy định việc này cho DN viễn thông mà nên quy định trách nhiệm máy cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.
Nêu quan điểm về việc chuyển mạng giữ số, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc này. Chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản mà mọi người dân được hưởng. Ở nhiều nước, dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện online với thời gian khoảng từ 1-2 giờ. Khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP quy định, mỗi bên đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong lãnh thổ của mình cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số mà không làm suy giảm chất lượng và độ tin cậy một cách kịp thời, theo các điều khoản và điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử.
Tại Việt Nam, việc chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư 35/2017. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện vẫn còn một số vướng mắc như sau: Quy định tại Thông tư 35 còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của nhà mạng khiến nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà mạng đưa ra rào cản về gói cam kết làm cản trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng giữ số.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi lần này đã bổ sung điểm h, khoản 2, Điều 13 về việc quy định đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài nhằm đảm bảo tính khả thi và tương thích các quy định tại khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP.
NGỌC NGUYỄN