Đêm nghệ thuật Dấu ấn Võ Văn Kiệt ở Vĩnh Long

Thứ Tư, 23/11/2022, 10:08 [GMT+7]
In bài này
.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Ảnh: TTXVN

Tối 22/11, tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Chương trình nghệ thuật chính luận “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Cùng dự có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và lãnh đạo cơ quan trung ương, TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cùng đông đảo nhân dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Ảnh: TTXVN
Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Ảnh: TTXVN

Chương trình nghệ thuật phản ánh quá trình cống hiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên nhiều cương vị, khắc họa hình ảnh người cộng sản kiên trung, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị chỉ huy ngoài chiến trường, nhà lãnh đạo cao cấp và người đứng đầu Chính phủ.

Ở cương vị nào, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng để lại những dấu ấn lớn, mạnh mẽ, trở thành bài học quý giá cho các thế hệ hôm nay.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, nên khi tuổi đời còn rất trẻ, ông đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng.

Cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Thời thơ ấu và niên thiếu vất vả, bươn chải đã hun đúc ý chí giải phóng dân tộc, bản lĩnh của Võ Văn Kiệt.

Khi 16 tuổi, ông đã giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Thanh niên phản đế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.

Sau ngày 30/4/1975, ông là Chủ tịch UBND thành phố rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Trong thời kỳ đổi mới, ông cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị từng bước khắc phục khó khăn đưa đất nước tiến lên.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gắn liền với bao công trình có ý nghĩa then chốt, mang đậm “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” từ chủ trương có ý nghĩa quyết đoán, đột phá đến sự năng động, quyết liệt trong điều hành thực hiện.

Đó là chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ ĐBSCL, chuyển từ vùng châu thổ nhiễm mặn nặng nề, năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ cấy được một vụ, sang vùng sản xuất lúa lớn nhất và có năng suất cao của vùng; xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam góp phần điều hòa lượng điện trong cả nước; các công trình giao thông có quy mô lớn như: xa lộ Bắc Thăng Long- Nội Bài mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, cầu Mỹ Thuận, nâng cấp Quốc lộ 1...

Trong những năm không còn giữ trọng trách trong Chính phủ cũng như không còn là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn nặng lòng với nhiều vấn đề trọng đại về quốc kế, dân sinh, thường có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho Bộ Chính trị và Chính phủ.

THÙY VÂN

(Tổng hợp)

;
.