KỶ NIỆM 82 NĂM NGÀY NAM KỲ KHỞI NGHĨA (23/11/1940 - 23/11/2022)

Sáng mãi khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt

Thứ Ba, 22/11/2022, 18:55 [GMT+7]
In bài này
.

Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện vàng son, không chỉ đánh dấu mốc mà còn chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho mai sau. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ ngày 23/11/1940 đến ngày 31/12/1940, cách đây 82 năm là một trong những mốc son chói lọi ấy.

Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên tranh đấu. Tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ do ông Võ Văn Tần làm Bí thư đã thảo ra “Ðề cương chuẩn bị bạo động”.

Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang với chủ trương thành lập ban chỉ huy và ban quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; đề ra các chính sách đối với nhân dân…

Chỉ trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương. Các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như nhà máy đóng tàu Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ...

Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn... Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.

Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam kỳ quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy ở các tỉnh Nam kỳ. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa. Những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Đăng Lưu… đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.

Với chiến tích vẻ vang, mang tầm chiến lược này, ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ, nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa đối với lịch sử cách mạng Việt Nam.

NGỌC NGUYỄN
(Tổng hợp)

;
.