Ý kiến thảo luận tổ về các nội dung trình kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh

Thứ Tư, 13/07/2022, 20:06 [GMT+7]
In bài này
.

Tại Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa VII. HĐND tỉnh đã có báo cáo tổng hợp chọn lọc ý kiến thảo luận về các nhóm, lĩnh vực được quan tâm. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu xin giới thiệu toàn văn nội dung báo cáo này.

Trồng rau công nghệ cao của ông Phạm Tấn Nghiêm (TT. Long Hải, huyện Long Điền). Ảnh: KIM HỒNG
Trồng rau công nghệ cao của ông Phạm Tấn Nghiêm (TT. Long Hải, huyện Long Điền). Ảnh: KIM HỒNG

I. Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế: có 4 ý kiến

1. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 20,85%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (24,75%); giá trị giải ngân vốn kéo dài rất thấp, chỉ đạt 9,08% kế hoạch được giao; số dự án khởi công mới 7/29 dự án, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022. Các số liệu này cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công mặc dù tỉnh đã thành lập Tổ công tác lãnh đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác giải ngân vốn đầu tư đạt kết quả thấp nhưng chủ yếu vẫn là do việc chậm triển khai các dự án, trong đó có việc người dân không đồng thuận với giá đất cụ thể; giá bồi thường và chính sách thu hồi đất theo các quyết định như: Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 10/4/2020 của UBND tỉnh quy định về giá nhà, vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh quy định về giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diêm nghiệp; Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (các quyết định này không còn phù hợp với tình hình thực tế nhưng chưa được UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời); nhiều quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa được phê duyệt nên không có căn cứ để thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án; bên cạnh đó tình hình giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu điều chỉnh bảng giá đất, ban hành các quyết định thay thế các Quyết định nêu trên cho phù hợp với tình hình thực tế; xem xét phê duyệt các quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh và có các giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, hoàn thành mục tiêu giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2022.

Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh rà soát và chuyển nguồn các dự án không có điều kiện giải ngân để có kế hoạch giải ngân trong 06 tháng cuối năm 2022 nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra; xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư chậm giải ngân vốn đầu tư công vì lý do chủ quan; không đưa vào danh sách các nhà thầu chậm thực hiện thủ tục hoàn công, quyết toán công trình, đặc biệt là đối với các công trình chuyển tiếp; rà soát lại công tác quản lý điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư công.

2. Công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay còn dàn trải, chưa chú trọng đến tính hiệu quả của các dự án, gây nhiều lãng phí (như dự án đầu tư vỉa hè, trụ sở các cơ quan, đơn vị), chưa tập trung nguồn lực để phục vụ các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, một số dự án chưa đảm bảo chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là dự án về hệ thống kênh mương (như Dự án kênh tiêu Bà Đáp tại khu vực cánh đồng Đăng thuộc địa bàn ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ). Đề nghị UBND tỉnh đánh giá hiệu quả của công tác đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh một cách thực chất, cần bám sát thực tiễn, từ đó đề ra những giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí.

3. Việc triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy đến nay đã đạt một số kết quả tích cực, trong đó đã hình thành được 07 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chỉ mới phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu, do đó đề nghị UBND tỉnh cần phân tích, đánh giá sâu, kỹ lưỡng và toàn diện đối với kết quả thực hiện, đề ra các giải pháp để việc triển khai Đề án số 04-ĐA/TU trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn.

4. Để phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, đề nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu và có kế hoạch sớm đầu tư cho tuyến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao kết nối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vì đây là một trong những tuyến giao thông kết nối quan trọng cần thiết giữa tuyến Cao tốc với đường Vành đai 4 của tỉnh.

II. Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng: có 8 ý kiến

1. Một trong những điều kiện để được tách thửa, hợp thửa đất đối với từng loại đất là phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch phân khu 1/2000 theo quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh quy định về điều kiện tách thửa trên địa bàn tỉnh BR-VT. Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND, người dân gặp rất nhiều khó khăn và không thể thực hiện tách thửa, hợp thửa đất vì đa phần các quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch phân khu 1/2000 ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn chưa được phê duyệt. Điều này làm hạn chế quyền sử dụng đất và nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, sớm điều chỉnh những bất cập trong Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND; xem xét chỉ đạo thực hiện các quy hoạch cần thiết để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân trong việc tách thửa đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức hiện còn 50ha đất vướng mặt bằng. Ảnh: TRÀ NGÂN
Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức hiện còn 50ha đất vướng mặt bằng. Ảnh: TRÀ NGÂN

2. Công tác quản lý, khai thác đất công trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều khu đất có khả năng đem lại giá trị kinh tế cao nhưng bị để hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai; một số địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm nhưng chưa kịp thời kiểm tra, xử lý. UBND tỉnh đã có Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 ban hành Kế hoạch quản lý, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, chưa đạt được tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra. Công tác bán đấu giá cơ sở nhà đất trên địa bàn TP.Vũng Tàu theo danh mục, kế hoạch tại Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 21/7/2017 của UBND tỉnh cho giai đoạn 2017-2020 đến nay chưa hoàn thành kế hoạch, nhưng UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, sớm kiểm kê, lập cơ sở dữ liệu quản lý các tài sản công, khẩn trương hoàn thành công tác đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết dứt điểm các tranh chấp, lấn chiếm để làm cơ sở quản lý, khai thác đất công hiệu quả; xem xét, phê duyệt Kế hoạch, lộ trình bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa bàn TP.Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 làm cơ sở để đẩy nhanh công tác bán đấu giá nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.

3. Hiện nay, việc chồng lấn ranh giới giữa đất của người dân và đất rừng phòng hộ trên địa bàn TX.Phú Mỹ đang diễn ra phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai của tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này.

4. Nhiều cử tri bức xúc về tình trạng quy hoạch treo, các dự án chậm triển khai; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn chậm và nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và đời sống của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát và đưa ra khỏi quy hoạch những dự án chậm triển khai trong nhiều năm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

5. Tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh BR-VT giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở sẽ được HĐND tỉnh phê duyệt, đề nghị UBND tỉnh khi ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở cần phê duyệt rõ, cụ thể quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; trong công tác quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, bố trí không gian, mặt bằng phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, sau đại dịch Covid-19 cần rút kinh nghiệm để xây dựng các phương án giãn dân ở những khu vực đông đúc, chật hẹp như thị trấn Long Hải, thị trấn Phước Hải, xã Phước Tỉnh,…

6. Công tác thu hồi đất trong các vùng dự án thực hiện rất chậm, có những quyết định thu hồi đã ban hành gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền sử dụng đất của người dân, như trường hợp thu hồi 850ha đất ở xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu để thực hiện dự án Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn kéo dài từ năm 2008, hiện đang gây rất nhiều bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Do đó, đề nghị UBND tỉnh rà soát tổng thể dự án, tiến độ, tính pháp lý, khả năng thực hiện để có phương án xử lý phù hợp, dứt điểm (tiếp tục triển khai, điều chỉnh, thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt dự án….) để làm cơ sở xử lý đối với việc thu hồi đất, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân sử dụng đất.

7. Cử tri của địa bàn huyện Đất Đỏ phản ánh theo quy hoạch trước đây thì đất của dân thuộc quy hoạch “đất ở nông thôn”, đến thời điểm hiện nay khu đất này lại thuộc quy hoạch “đất trồng cây hàng năm” làm ảnh hưởng đến các quyền sử dụng đất của người dân và giá trị sử dụng đất. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo địa phương xem xét lại đối với công tác quy hoạch, công tác quản lý đô thị theo hướng vừa đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phải vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, có cơ chế hỗ trợ khi chuyển đổi quy hoạch để đảm bảo sự công bằng cho người dân.

8. Dự án Sonadezi được Chính phủ phê duyệt năm 2007, đã kéo dài 15 năm nhưng đến nay chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh công tác kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, sớm giải ngân cho các hộ dân đã đo đạc, kiểm kê tại địa bàn huyện Châu Đức và TX.Phú Mỹ.

III. Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường: có 2 ý kiến

1. Trong thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều điểm nóng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn TX.Phú Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc ô nhiễm về không khí do khí thải từ các nhà máy sản xuất thép trong các khu công nghiệp và nhà máy đạm Phú Mỹ vẫn còn tiếp diễn; việc ô nhiễm mùi từ bãi xử lý rác thải tập trung tại xã Tóc Tiên vẫn còn diễn ra. Đề nghị UBND tỉnh cho biết:

- Dự án thu gom xử lý nước thải tại xã Tóc Tiên khi nào hoàn thành.

- Tình hình hoạt động của các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn thị xã đã hoạt động như thế nào trong thời gian qua, thông tin truyền về cơ quan quản lý có chính xác, kịp thời để cơ quan nhà nước cảnh báo, xử lý từ sớm tình trạng ô nhiễm môi trường hay không.

- Giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại TX.Phú Mỹ trong thời gian tới.

2. Nguồn vật liệu xây dựng thời gian gần đây đang có dấu hiệu khan hiếm, đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Dự báo nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ tăng cao trong thời gian tới khi Tỉnh triển khai thực hiện khởi công các dự án đầu tư công trọng điểm. Do đó để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ theo kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại tổng nhu cầu vật liệu xây dựng, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với sự phát triển, vừa đáp ứng được nhu cầu khai thác, sử dụng vừa đảm bảo tính bền vững.

IV. Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, du lịch: có 8 ý kiến

1. Việc thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm hướng nghiệp cho học sinh và phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc Trung học phổ thông (THPT) là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình phù hợp và cần phải tuyên truyền rộng rãi cho gia đình và học sinh được biết để kịp thời định hướng việc học tập, đồng thời cũng phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học cho các học sinh, nhất là các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa. Theo báo cáo, trong năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 4.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào được các trường THPT công lập, phải vào học tại các Trường dân lập, các Trung tâm giáo dục thường xuyên và các Trường nghề. Tâm lý của gia đình và học sinh không vào được các Trường THPT rất hoang mang, do e ngại chất lượng dạy và học ở các trường dân lập, các Trung tâm giáo dục thường xuyên và các Trường nghề không đảm bảo . Do đó, đề nghị Tỉnh nghiên cứu tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT cần có sự linh hoạt, phù hợp với thực trạng cơ sở vật chất, điều kiện của từng địa phương. Sớm quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở dạy nghề tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất để tăng khả năng tiếp cận của người dân. 

2. Hiện nay, tình trạng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ở các cơ sở y tế công xin nghỉ việc nhiều ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thu nhập của lực lượng y tế thấp nhưng áp lực công việc cao, bên cạnh đó mô hình y tế tư nhân phát triển với các chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ tốt dẫn đến đội ngũ y, bác sĩ rời bỏ các đơn vị y tế công lập. Do đó, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ nhằm thu hút và giữ chân lực lượng y tế công lập trên địa bàn tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút bác sĩ để phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành Y tế tỉnh; quan tâm có chế độ hỗ trợ đào tạo cho ngành điều dưỡng do đây là ngành có lương thấp và ít người theo học; có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và trang bị cơ sở vật chất cho trường Trung cấp Y tế tỉnh, đồng thời xem xét có lộ trình nâng cấp lên trường Cao đẳng Y tế tỉnh để phục vụ nhu cầu dạy và học.

Bên cạnh thiếu nguồn nhân lực ngành y tế, vấn đề thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế cũng đang xảy ra tại các bệnh viện của tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh và ngành y tế cần phải có dự báo chính xác tình hình, có sự chuẩn bị phương án giải quyết trước mắt và cả lâu dài để đảm bảo sự ổn định của hệ thống y tế địa phương, đồng thời đạt được các mục tiêu mà các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

3. Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh BR-Vũng Tàu đã bị bãi bỏ. Hiện nay tỉnh chưa ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn gây nhiều khó khăn, vướng mắc về nhân sự, tổ chức bộ máy cũng như thực hiện việc xã hội hóa, thí điểm cho thuê, liên doanh, liên kết tại các Trung tâm. Đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành theo thẩm quyền về các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng để tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa, thí điểm cho thuê, liên doanh, liên kết tại các Trung tâm; có giải pháp hữu hiệu để tránh gây lãng phí khi ngân sách tỉnh đã đầu tư xây dựng các Trung tâm khang trang nhưng hoạt động không hiệu quả.

4. Ngày 13/7/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến nay chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực y tế và giáo dục. Đề nghị UBND tỉnh tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết này, qua đó xem xét việc ban hành chính sách mới về xã hội hóa phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhằm thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

5. Thời gian gần đây, việc tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở trẻ em và tiêm mũi 4 của người dân đạt tỷ lệ thấp; người dân đang có tâm lý chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh và Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các địa phương tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống dịch. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin COVID-19; đồng thời chủ động xây dựng phương án, kịch bản trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

6. Trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 06 vụ/10 trẻ bị tử vong do đuối nước, tăng 04 trẻ so với cùng kỳ năm 2021 (06 tháng đầu năm 2021 có 06 trẻ). Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và có chiều hướng gia tăng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước, khảo sát các khu vực ao, hồ trên địa bàn và lắp đặt các biển cảnh báo; quan tâm phổ cập dạy bơi cho trẻ em; xem xét đưa chương trình dạy bơi cho học sinh là một kỹ năng trong các trường học.

7. Hiện nay, ngành Du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, thiếu các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm ban hành chương trình phát triển du lịch bền vững của tỉnh BR-VT, trong đó tập trung vào việc tạo cơ chế chính sách, chuỗi hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và các địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch; đồng thời quan tâm phê duyệt sớm chương trình kích cầu du lịch hàng năm để các ngành và địa phương sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch được giao (Chương trình xúc tiến du lịch năm 2022 mới được ban hành ngày 23/5/2022 tại Quyết định số 1509/QĐ-UBND là khá chậm). Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, lực lượng lao động của ngành Du lịch có sự chuyển dịch lớn sang các ngành nghề khác, đề nghị UBND tỉnh quan tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngắn hạn để bổ sung lao động cho các doanh nghiệp du lịch.

8. Thực tế hiện nay, hoạt động của các Trạm y tế cấp xã gặp rất nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất xuống cấp, một số trang thiết bị được cấp ít được sử dụng; đội ngũ nhân lực còn thiếu; đặc biệt việc cấp, điều hành kinh phí để chi cho hoạt động của các Trạm y tế còn nhiều bất cập, gây khó khăn, bị động cho hoạt động của các Trạm; hoạt động chuyên môn của nhiều Trạm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, có giải pháp bổ sung nhân lực cho các Trạm y tế, đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo sở ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên của các Trạm Y tế theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với tình hình quản lý, sử dụng và công khai kinh phí hoạt động thường xuyên của các Trạm Y tế, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các cơ sở y tế trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo đúng quy định của pháp luật. 

V. Nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp chế, an ninh trật tự, cải cách hành chính: có 4 ý kiến

1. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 giảm 7 bậc so với năm 2020; chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp nhóm đạt điểm thấp nhất của tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có phản ánh của công dân cho rằng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh là không thực chất, còn hình thức, chạy theo thành tích. Điều này cho thấy công tác cải cách hành chính của tỉnh thiếu sự bền vững, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của tỉnh, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh cần sớm tổ chức hội nghị để đánh giá, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao các chỉ số, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tỉnh được xếp trong top 10 vào năm 2025 và trong top 7 vào năm 2030 theo Kế hoạch về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

2. Thời gian vừa qua UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh BR-VT vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa triệt để và chưa bền vững (theo Báo cáo thì trong 6 tháng đầu năm 2022 có 03 tàu cá/25 thuyền viên của tỉnh vi phạm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài). Trên cơ sở Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 12/12/2021 của UBND tỉnh, các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh phải có các giải pháp hiệu quả hơn, trong đó chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác phối hợp; xây dựng quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và có biện pháp kiểm soát, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

3. Hiện nay chưa có kênh thông tin riêng liên quan đến hoạt động, quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, vì vậy các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư với các doanh nghiệp không có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp dẫn đến quyết định đầu tư không hiệu quả, bị thiệt hại, từ đó nảy sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kênh thông tin liên quan đến các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho tổ chức, công dân nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người như thời gian vừa qua.

4. Ngành du lịch của tỉnh đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, lượng du khách đến tỉnh du lịch tăng khá cao, tuy nhiên việc đảm bảo an ninh trật tự cho hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế như: vào các ngày lễ, cuối tuần thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trên tuyến Quốc lộ 51, tại một số tuyến đường đến các điểm, khu du lịch ở TP.Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc; an ninh trật tự trong các khách sạn, nhà nghỉ, homestay, chung cư, condotel kinh doanh du lịch chưa được quản lý chặt chẽ. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đối với các tình trạng trên để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.

VI. Vấn đề khác: có 4 ý kiến

1. Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 318, 319, 320/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có chỉ tiêu quy định “xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên”. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa ban hành quy định cụ thể mức chi để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về mức chi để địa phương có cơ sở thực hiện.

2. Việc triển khai các nhiệm vụ về quản lý đất đai, xây dựng theo Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau 01 năm đã đạt được kết quả ban đầu như nhận thức của đội ngũ cán bộ và người dân đã có chuyển biến, việc triển khai thực hiện đã được tăng cường, chú trọng và thực chất hơn... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; chồng lấn ranh giới thủy lợi; lập quy hoạch lâm nghiệp chậm trễ; lập quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 chậm, ảnh hưởng đến công tác tách thửa theo quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND; năng lực, trình độ chuyên môn của công chức địa chính cấp xã chưa đồng đều... Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ở những địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm và tìm ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh.

3. Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính” đang được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đây là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa VII đã đề trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 02-NQ/TU, mỗi huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương mình, trong đó phải đặt các mục tiêu phấn đấu cụ thể. Đề nghị HĐND tỉnh có kế hoạch giám sát đối với việc thực hiện Nghị quyết này để các địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

4. Đề nghị TAND tỉnh sớm đưa ra xét xử các vụ án tranh chấp dân sự, các vụ án kinh tế kéo dài, liên quan đến các dự án nhà ở gây bức xúc trong Nhân dân thời gian qua như: vụ dự án Khang Linh, vụ Khu biệt thự Thanh Bình ...

VII. Nhóm các dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp

Các đại biểu đều thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Đối với chuyên đề giám sát năm 2023 của HĐND tỉnh, các đại biểu đề xuất chọn 2 nội dung sau:

1. Giám sát về tình hình và kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về Danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng; Danh mục các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh BR-VT.

2. Giám sát về tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng giáo dục trên địa bàn tỉnh BR-VT.

 
;
.