Sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương (Đảng ủy Khối) về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, Đảng bộ Khối gồm có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 đảng bộ cơ quan. Đến ngày 30/12/2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.148 tổ chức cơ sở Đảng; 156 đảng bộ bộ phận, 5.742 chi bộ trực thuộc, 87.585 đảng viên.
Các doanh nghiệp trong Khối gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp tính đến hết quý I/2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp đạt trên 9,93 triệu tỷ đồng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của Đảng ủy Khối cho những kết quả đạt được; nhất là sự chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy Khối với các cơ quan của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp nhà nước mà Đảng ủy Khối cần tập trung giải quyết như: vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của thị trường...
Cùng với phân tích, nhận định bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, với những khó khăn, thuận lợi đan xen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Khối cần thực hiện. Theo đó, Đảng ủy Khối tiếp tục đổi mới, thực hiện hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước. Đảng ủy Khối phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Chính phủ, các Ban cán sự Đảng các bộ ngành liên quan, cùng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp tình hình, điều kiện mới.
Cần thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; đổi mới quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, phải hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ cao; kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp nhà nước.
PHẠM TIẾP