KỲ HỌP THỨ TÁM HĐND TỈNH KHÓA VII, NHIỆM KỲ 2021-2026

Giáo dục dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu

Thứ Năm, 14/07/2022, 14:44 [GMT+7]
In bài này
.

Trong phần thảo luận buổi sáng 14/7, ngày thứ 2 của Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa VII, vấn đề phân luồng HS sau THCS, định hướng nghề nghiệp cho HS được các đại biểu quan tâm.

Việc phân luồng là cần thiết, nhưng cần xem lại lộ trình

HS THCS tham quan trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Ảnh: Khánh Chi
HS THCS tham quan trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Ảnh: Khánh Chi (ảnh minh họa)

Đó là ý kiến mà nhiều đại biểu đặt ra khi tham gia thảo luận tại hội nghị. Các đại biểu cho rằng vấn đề hướng nghiệp cho HS và phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình phù hợp và cần phải tuyên truyền rộng rãi cho gia đình và HS được biết để kịp thời định hướng việc học tập, đồng thời cũng phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học cho HS, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Trả lời nội dung này, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT (ảnh dưới) cho biết, theo Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12/9/2019 thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”, tỷ lệ phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào THPT thực hiện theo tiến độ năm và có tính dự báo, phù hợp với giá trị năng lực bản thân, sở thích, sở trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.

Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT của các Trung tâm GDTX. Kết quả giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT tăng dần, trên 67,54% - 92,39 % và 89,45 %.

Về năng lực của các trường nghề, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập và ngoài công lập CĐ, trung cấp, Trung tâm GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở trên là 4.540 HS- SV/năm. Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH phối hợp rà soát nhu cầu học nghề theo từng năm học, trong đó năm học 2022-2023 là 3.968 HS; 2023-2024: 4.223 HS; 2024-2025 là 5.149 HS và năm học 2025-2026 là 4.890 HS. Như vậy, các cơ sở GDNN hoàn toàn có khả năng tiếp nhận được số HS tốt nghiệp THCS nếu không tham gia THPT và GDTX để học nghề.

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác phân luồng hiện nay là nhận thức của HS, phụ huynh và cả trong ngành giáo dục còn chưa rõ về công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng, mà chủ yếu là thực hiện tư vấn tuyển sinh. Tâm lý HS và cha mẹ còn nặng bằng cấp, mong muốn phải tốt nghiệp THPT và vào đại học. Việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng THCS còn hình thức, chưa thực chất, hiệu quả. Việc mở ngành nghề đào tạo của các trường đào tạo chưa chú ý đến đầu ra, chưa gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội, chưa kiểm soát được chất lượng…

Cần có thêm hỗ trợ cho HS theo học nghề

Đại biểu Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (ảnh dưới) cho rằng, nhiều trường hợp học xong THCS chọn học nghề nhưng quãng đường từ nhà đến cơ sở học nghề xa, nguy hiểm, trong khi ký túc xá của cơ sở lại không đủ sức chứa. Nếu các em chọn ở trọ thì chi phí cao, nhiều gia đình không kham nổi.

Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc (ảnh dưới) cũng đề nghị trước mắt cần nghiên cứu mở các tuyến xe bus hỗ trợ HS-SV đi lại, tăng thêm chỗ ở ký túc xá, mở thêm phân hiệu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Về lâu dài phải có cơ sở dạy nghề khu vực nông thôn, phân hiệu dạy nghề ở các địa phương nhằm tăng cơ hội tiếp cận học nghề tốt hơn cho thanh thiếu niên nông thôn”, bà Lê Thị Trang Đài nói.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH (ảnh dưới) cho rằng, Sở LĐ-TB-XH tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương triển khai tuyên truyền sâu rộng chính sách, hỗ trợ học nghề đối với HS THCS, thu hút HS theo học để ra trường vừa có nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT lại được hưởng miễn 100% học phí.

Sở cũng sẽ phối hợp Sở GT-VT đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách trợ giá xe bus cho HS-SV để các em thuận tiện đi lại, an toàn. Về lâu dài, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh chủ trương xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ thêm cho HS tốt nghiệp THCS, THPT theo học nghề.

Trong phần ý kiến kết thúc buổi thảo luận sáng, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng quan điểm giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, phụ huynh thì không mong muốn con em đi học nghề mà muốn vào ĐH. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN tăng quy mô, mở rộng tới các địa bàn xa như Xuyên Mộc, Châu Đức và theo hướng vào trường nghề vẫn được học các môn để thi tốt nghiệp THPT. Các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ rà soát từng trường hợp cụ thể, lập cơ sở dữ liệu theo dõi các em, để định hướng hướng đi phù hợp.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động

Đó là một trong những giải pháp được Sở GD-ĐT thực hiện trong thời gian tới nhằm bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh phù hợp năng lực của cá nhân, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng. Theo đó, Sở sẽ xây dựng trang thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động, tổ chức biên soạn tài liệu hướng nghiệp cho học sinh và giáo viên cấp THCS, THPT; phối hợp với Sở LĐTB-XH xây dựng lộ trình tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề hiệu quả, khoa học, bảo đảm khả thi, bền vững, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực; rà soát, tính toán cụ thể kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 và dự kiến cho các năm học tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh phương án học tập bảo đảm cho 33% học sinh tốt nghiệp THCS còn lại.

 

;
.