KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 3/2 (1930-2022)

Những mùa Xuân lịch sử thử thách bản lĩnh của Đảng

Thứ Tư, 26/01/2022, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Mùa Xuân - mùa của vạn vật sinh sôi, nảy nở; mùa của cỏ cây đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái. Nhưng với Đảng, biết bao mùa Xuân trong lịch sử phải đối mặt và đảm nhận sứ mệnh dẫn dắt dân tộc vượt qua những thử thách sống còn, đầy cam go, ác liệt, hiểm nguy...

Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tháng 1/2021. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tháng 1/2021. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

1.  Mùng 5 Tết Canh Ngọ (1930), Đảng ra đời và từ mùa Xuân ấy Đảng phải đối mặt với chính sách đàn áp dã man, tàn bạo của kẻ thù. Thực dân Pháp khủng bố trắng đốt sạch, phá sạch, giết sạch hòng “tiêu diệt Đảng ta”, “dập tắt phong trào”, gây bao tổn thất nặng nề: Toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị bắt. Hệ thống tổ chức đảng và tổ chức quần chúng từ trung ương đến cơ sở bị phá vỡ. Hàng vạn đảng viên và quần chúng bị bắt, tù đày hoặc bị giết. “Nhà tù Côn Đảo, Lao Bảo, Sơn La… giam chật ních những người cộng sản”.

Nhưng Đảng không chùn bước. Đảng viên trong các nhà tù thực dân vẫn giữ vững khí tiết cộng sản, biến “nhà tù thành trường học lớn”; tổ chức đảng và đảng viên còn lại vẫn bám dân, bám địa bàn hoạt động; khi Ban Chấp hành Trung ương không còn, thì Ban lãnh đạo trung ương của Đảng (1932) và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (1934) được thành lập, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo, gây dựng lại phong trào.

Đại hội Đảng lần thứ Nhất vào Xuân Ất Hợi (1935) đánh dấu khôi phục tổ chức đảng và Ban Chấp hành Trung ương, khẳng định “cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”. Trước khủng bố trắng tàn bạo của kẻ thù, Đảng vẫn tồn tại, trưởng thành, cách mạng vẫn tiến bước. Xuân Ất Hợi là Xuân khôi phục Đảng - mùa Xuân ghi dấu son trên con đường “chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

2. Xuân Độc lập đầu tiên - Bính Tuất (1946), Đảng đứng trước tình thế căng thẳng, phức tạp, rối ren chưa từng thấy; vận mệnh của Đảng, thành quả  cách mạng vừa giành được có thể bị kẻ thù “bóp nát” bất cứ lúc nào.

Chính quyền cách mạng vừa ra đời, “thừa hưởng” nền kinh tế kiệt quệ, ngân khố trống rỗng; nhân dân mù chữ; nạn đói hoành hành. Khó khăn chồng chất khó khăn khi kẻ thù cũ chưa rút đi hết, kẻ thù mới đã xuất hiện. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, đưa cuộc chiến lan ra Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mùa Xuân ấy, vận nước tột cùng hiểm nguy “Ngàn cân treo sợi tóc”!

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, của Chính phủ, toàn dân hăng hái tăng gia sản xuất diệt giặc đói, hòa mình vào phong trào “Bình dân học vụ” diệt giặc dốt, sẵn sàng lên đường diệt giặc ngoại xâm. Xuân Bính Tuất chứng kiến Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời; những đoàn quân Nam tiến hối hả lên tàu vào Nam. Trong tiết xuân se lạnh, từng dòng người đổ về ga Hàng Cỏ, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh không phải du xuân mà đưa tiễn người thân lên tàu vào Nam theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến”, gửi tình thương sâu nặng tới đồng bào Nam Bộ đang trong “nước sôi, lửa bỏng” của “Xuân kháng chiến”.

Trước sóng to gió cả, Đảng vẫn giữ vững tay lái: đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, giữ vững chính quyền cách mạng và “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Qua 9 mùa Xuân chống Pháp, 21 mùa Xuân “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng  được tôi luyện vững chắc như “thép đã tôi”; nhân dân đoàn kết thành một khối “rắn như đá”, “vững như đồng”, viết nên huyền thoại Điện Biên Phủ (1954) “chấn động địa cầu”; Đại thắng mùa Xuân (1975): Non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên CNXH.

3. Khi sắc Xuân Kỷ Mùi (1979) ngập tràn là thời khắc một lần nữa lịch sử lại thử thách chúng ta: Biên thùy dậy sóng; lửa đã cháy, máu đã đổ khắp dải biên cương ở hai đầu đất nước. Tổ quốc lâm nguy: “Lụt Bắc lụt Nam. Máu tràn biên giới. Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân”.

Quân Khmer đỏ tấn công biên giới Tây Nam Tổ quốc ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Chúng thảm sát nhân dân ta, đốt phá làng mạc, gây bao đau thương, tang tóc. Và thời khắc lịch sử không thể quên: 5 giờ ngày 17/2/1979 - Xuân Kỷ Mùi, hơn 60 vạn quân Trung Quốc ồ ạt tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt, tàn bạo, mà theo chúng là “dạy cho Việt Nam một bài học” (?!).

Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước vang vọng núi sông. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lại lên đường, vào trận “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước sức mạnh vô song của một dân tộc anh hùng và sự ủng hộ công lý của nhân loại, quân xâm lược phương Bắc nhục nhã rút lui và ở phương Nam, lịch sử được chứng kiến: Quân Pol Pot bị đẩy lùi khỏi biên giới, chính quyền Khmer đỏ bị đập tan, nhân dân Campuchia được giải phóng khỏi nạn diệt chủng khủng khiếp nhất.

Nước còn nghèo, vết thương 30 năm chiến tranh để lại nặng nề, lại rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng; nhân dân thiếu thốn, đói khổ; thế lực thù địch bao vây, cấm vận; nguồn viện trợ từ Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu không còn. Một lần nữa, bản lĩnh “cầm lái”, “cầm quyền” và trí tuệ của Đảng lại tỏa sáng trong công cuộc xây dựng CNXH, một nhiệm vụ chưa có tiền lệ, “khổng lồ, khó khăn, phức tạp”.

Lắng nghe dân; chắt lọc, tổng kết thực tiễn; trọng trách trước lịch sử, Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới vào năm 1986 và sau 35 năm, đã viết nên câu chuyện thần kỳ: Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nằm trong tốp 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất, bè bạn năm châu ghi nhận, khâm phục, đánh giá cao.

4. Xuân Canh Tý 2020, nước ta phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (23/1/2020), từ đó đại dịch bùng phát dữ dội, gây hậu quả khôn lường. “Nhiệm vụ kép”: Đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - tuy không tiếng súng nhưng nguy hiểm, căng thẳng, rủi ro đến vô cùng!

Đảng, Chính phủ đã huy động tối đa mọi nguồn lực: Nhân lực, vật lực, tài lực và kêu gọi cộng đồng quốc tế để phòng chống dịch. Hàng vạn y bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên lên tuyến đầu. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xã phường là một pháo đài. Chính phủ điều hành linh hoạt: Từ thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt đến đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện thông điệp 5K, phủ vắc xin toàn dân, nâng cao ý thức mỗ người… từng bước hạn chế tổn thất, khống chế được dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Dịch COVID-19 tuy còn phức tạp, nhưng Việt Nam là điểm sáng, một hiện tượng thực hiện mục tiêu kép thế giới muốn “khám phá”, bè bạn năm châu muốn chọn “điểm đến” trải nghiệm, làm ăn, sinh sống.

5. Đại hội XIII vào mùa Xuân Tân Sửu (2021), Đảng khơi dậy và thổi bùng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết bước lên đài vinh quang, sánh vai các cường quốc năm châu. Đó là mục tiêu, khát vọng cháy bỏng của Bác Hồ, của dân tộc, là con đường, quyết tâm chính trị, sứ mệnh cao cả của Đảng. Trên con đường ấy, dẫu rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”, nhưng thách thức gay gắt, nhiều cạm bẫy và lực cản không nhỏ đang chờ đợi ở phía trước.

 Đảng luôn đứng mũi chịu sào, đưa dân tộc vượt qua thử thách khốc liệt của chiến tranh; sự chống phá điên cuồng của thù trong, giặc ngoài và cả nghèo nàn, đói khổ. Thử thách càng gay go, ác liệt, Đảng càng trưởng thành, lớn mạnh. Mùa Xuân nối tiếp mùa Xuân, thử thách nối tiếp thử thách và chiến công nối tiếp chiến công. Với bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, nghị lực căng tràn sức Xuân và luôn đổi mới sáng tạo, Xuân Nhâm Dần (2022) đã đến mang theo kỳ vọng Đảng sẽ biến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc - mùa Xuân đẹp nhất thành hiện thực trên đất nước thân yêu.

NGUYỄN QUANG PHI

 

;
.