.

Việc xử lý đối với một số tình huống đặc biệt phát sinh

Cập nhật: 18:42, 09/05/2021 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

- Trường hợp dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở địa phương trong thời gian gần đến ngày bầu cử, thì Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cho những cử tri bị ảnh hưởng do mắc bệnh hoặc do phải cách ly để họ nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

- Trường hợp xảy ra mưa lũ, thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến các phòng bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến giúp những cử tri này nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử.

- Trong trường hợp các tình huống phát sinh trên đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.

Những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu được xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 71 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục trong ngày bầu cử. Trường hợp có những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cho Ban bầu cử biết, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Trường hợp vì lý do đặc biệt phải hoãn ngày bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết để đề nghị Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào? Những ai được chứng kiến việc kiểm phiếu?

Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trình tự tiến hành việc kiểm phiếu được thực hiện như sau:

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 35/HĐBC); toàn bộ phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử bị gạch hỏng được niêm phong và gửi kèm theo biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu đến các Ban bầu cử tương ứng.

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử, nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

- Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.

- Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu HĐND cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.

- Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử tương ứng để giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử tương ứng để xem xét, quyết định.

(Còn nữa)

 
.
.
.