Lễ khai mạc cuộc bầu cử được tổ chức như thế nào?
Lễ khai mạc cuộc bầu cử được tổ chức như thế nào?
Khi đến giờ bắt đầu bỏ phiếu theo quy định, Tổ bầu cử phải tổ chức lễ khai mạc cuộc bầu cử tại phòng bỏ phiếu.
Thành phần tham dự lễ khai mạc bao gồm:
- Các thành viên Tổ bầu cử, những người có nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử.
- Đại diện cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
- Đại diện cử tri là người cao tuổi, người có công với cách mạng và chức sắc tôn giáo trong khu vực (nếu có).
- Cử tri đến dự lễ khai mạc.
- Phóng viên báo, đài (nếu có).
Tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì lễ khai mạc theo trình tự sau đây:
- Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Đọc diễn văn khai mạc. Diễn văn khai mạc cần được chuẩn bị trang trọng, ngắn gọn, súc tích, nêu được mục đích, ý nghĩa của việc bầu cử.
- Đọc nội quy phòng bỏ phiếu.
- Kiểm tra hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ trước sự chứng kiến của cử tri; mời 2 cử tri không phải là người có tên trong danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử nơi có khu vực bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu, sau đó niêm phong hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ theo quy định.
- Sau khi thực hiện thủ tục niêm phong hòm phiếu, Tổ trưởng Tổ bầu cử tuyên bố cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bắt đầu.
Trước khi bỏ phiếu, thủ tục kiểm tra hòm phiếu được thực hiện như thế nào?
Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri để bảo đảm tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc nhân dân kiểm tra. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử.
Đúng giờ bắt đầu bỏ phiếu theo quy định, Tổ trưởng Tổ bầu cử mời 2 cử tri có mặt tại phòng bỏ phiếu mà không phải là người có tên trong danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử nơi có khu vực bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu. Sau khi kiểm tra hòm phiếu và xác nhận không có gì ở trong, hòm phiếu được đóng và niêm phong bằng giấy có đóng dấu của Tổ bầu cử, thì cuộc bỏ phiếu mới được bắt đầu.
Việc bỏ phiếu được thực hiện như thế nào?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau:
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay.
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
Việc cử tri ghi phiếu bầu cử được thực hiện như thế nào?
Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
Trường hợp có phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.
Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, trường hợp cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng có chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
Trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn do có sự giống nhau cả họ, tên và tên đệm, nếu cử tri không tín nhiệm người này thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.
Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.
Trường hợp nào thì cử tri được nhờ người khác viết hộ phiếu, bỏ hộ phiếu bầu cử?
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu cử thì được nhờ người khác viết hộ, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu cử của cử tri.
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu cử được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Thẻ cử tri sau khi công dân đã bỏ phiếu xong thì xử lý như thế nào?
Sau khi cử tri bỏ phiếu bầu cử xong, thành viên Tổ bầu cử có trách nhiệm nhắc cử tri xuất trình lại Thẻ cử tri và đóng dấu “Đã bỏ phiếu” lên mặt trước của Thẻ cử tri. Cử tri được giữ lại Thẻ cử tri; cử tri không được xuất trình Thẻ cử tri đã đóng dấu “Đã bỏ phiếu” để yêu cầu tham gia bỏ phiếu.
(Còn nữa)