Tháo gỡ vướng mắc trong thi tuyển lãnh đạo, quản lý
Ngày 6/5, Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo trực tuyến về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng để góp ý, nhằm hoàn thiện Quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Sau khi hoàn thiện, từ ngày 1/6/2021, Quy chế chính thức có hiệu lực.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. |
THÁO GỠ NÚT THẮT TRONG THI TUYỂN
Ông Lưu Tài Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
Theo ông Lưu Tài Đoàn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý còn một số hạn chế như: Đa số cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa tích cực, thiếu quyết tâm triển khai, có đơn vị không triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chưa thực hiện thí điểm thi tuyển đối với chức danh phó giám đốc sở và tương đương. Bên cạnh đó, thời gian phê duyệt kế hoạch dự thi kéo dài, dẫn đến việc thi tuyển kéo dài thời gian…
Vì những lý do trên, Tỉnh ủy đã đưa ra dự thảo Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, phòng để đại diện các sở, ngành góp ý. Tại hội thảo, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Quy chế và có nhiều ý kiến đóng góp để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT phân tích, quy định phải có 2 người trở lên tham gia thi tuyển vào 1 chức danh gây khó khăn cho việc tổ chức thi. Bởi thực tế, có trường hợp 2 chức danh thi tuyển nhưng chỉ có 3 người đăng ký thì cũng không thể tổ chức thi. Đại diện Huyện ủy Xuyên Mộc đề xuất trường hợp chỉ có 1 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn tổ chức thi tuyển. Bên cạnh đó, cần phân cấp cho cấp ủy cấp huyện phê duyệt kế hoạch thi tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Côn Đảo đề xuất cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng cho huyện Côn Đảo. Đồng thời cho phép địa phương được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý một số lĩnh vực khó khăn về nguồn nhân lực như: tài nguyên môi trường, quy hoạch xây dựng, quản lý du lịch…
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh. |
PHÂN CẤP THI TUYỂN
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận những ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, đơn vị, đồng thời cũng làm rõ hơn một số nội dung trong dự thảo Quy chế. Theo ông Phạm Viết Thanh, việc tuyển dụng dựa theo phân cấp quản lý cán bộ các cấp. Cấp ủy nào quyết định việc quy hoạch bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ thì quyết định việc ban hành quy chế, kế hoạch, thành lập hội đồng, phê duyệt kết quả tuyển dụng.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần bổ sung các đối tượng có trong quy hoạch chức danh hoặc tương đương hay quy hoạch lãnh đạo chức danh cao hơn đối với cán bộ công tác trong hoặc ngoài cơ quan; các đối tượng là công chức đủ tiêu chuẩn nhưng chưa có trong quy hoạch cấp tuyển dụng. “Khi có kết quả trúng tuyển thì cấp ủy căn cứ danh sách trúng tuyển để lựa chọn, xem xét bổ nhiệm, không phải cứ trúng tuyển là bổ nhiệm ngay, mà phải có sự cân đối để không làm xáo trộn trong bộ máy”, ông Phạm Viết Thanh nói.
Từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch số 138-KH/TU thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương giai đoạn 2018-2021. Trong đó, các đơn vị thực hiện thí điểm thi tuyển gồm: LĐLĐ tỉnh, Thành ủy - UBND TP. Vũng Tàu, UBND TX. Phú Mỹ và Sở NN-PTNN. Ngoài các đơn vị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lại xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình khi có nhu cầu bổ nhiệm.
Đến nay, đã có 29/55 cơ quan, đợn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển. Kết quả cụ thể như sau: Thành ủy, UBND TP. Vũng đã tổ chức thi tuyển được 10 vị trí; Huyện ủy, UBND huyện Xuyên Mộc đã tổ chức thi tuyển 11 vị trí; Sở NN-PTNT tổ chức thi tuyển 16 vị trí; Sở Du lịch đã tổ chức thi tuyển được 1 vị trí; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thi tuyển được 2 vị trí. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khuyết 796 vị trí chưa thực hiện được việc bổ nhiệm.
|
Ông Phạm Viết Thanh cho biết thêm, các trường hợp trúng tuyển chưa có trong quy hoạch thì cấp ủy căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn từng chức danh để bổ sung quy hoạch trước khi xem xét bổ nhiệm. Các đối tượng trúng tuyển nhưng chưa được xem xét bổ nhiệm được bảo lưu kết quả trong vòng 1 năm không cần tham gia thi tuyển lại khi cấp ủy đó xem xét bổ nhiệm lần tiếp theo. Các đối tượng trúng tuyển nhưng không bổ nhiệm tại đơn vị tuyển dụng thì cấp ủy nơi cán bộ thi tuyển có thể lấy kết quả đó để xem xét miễn một số bước trong các bước thi tuyển, tùy cấp ủy quyết định.
Ông Thanh nhấn mạnh, cần thực hiện tối đa việc phân cấp trong tổ chức thi tuyển. Mỗi năm chỉ tổ chức thi tuyển 2 lần, mỗi lần tuyển bao nhiêu chức danh thì hội đồng thi tuyển tự quyết định, cấp ủy có quyền mời chuyên gia tham gia vào hội đồng.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI