.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Hiệp định CPTPP giúp nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Cập nhật: 17:43, 02/11/2018 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 2-11, các Đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Thể hiện cam kết đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược. Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện pháp luật, thể chế... Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị-xã hội.

“Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại Khoản 14, Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIV; đề nghị Chính phủ báo cáo, thuyết minh trước Quốc hội về nội dung cụ thể và những vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị.

Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. 

Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan đến Việt Nam, báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu rõ: Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. 

Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Chính phủ đề xuất Hiệp định và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vì một số lý do sau: Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là phù hợp với các quy định pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao, do vậy sẽ làm tăng uy tín của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với các nước, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP. Bên cạnh đó, việc Việt Nam chủ động thúc đẩy phê chuẩn sớm sẽ tiếp tục gia tăng sự tin cậy, làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương của ta với Nhật Bản, tạo tiền đề quan trọng để ta thúc đẩy các FTA khác như FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

 Việc phê chuẩn sẽ giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa các lợi ích chiến lược mà Hiệp định CPTPP mang lại, từ đó giúp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chính sách đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó đoán định. Việc phê chuẩn là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản luật, pháp lệnh có liên quan để thực thi Hiệp định CPTPP. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế và cơ sở để Chính phủ xây dựng các chương trình hành động, đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị với cạnh tranh từ bên ngoài khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. 

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Dự kiến, ngày 12-11, Quốc hội sẽ phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT chủ trì thảo luận tổ đại biểu số 7.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT chủ trì thảo luận tổ đại biểu số 7.

Sau khi nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, các Đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về nội dung trên.

Tại tổ đại biểu số 7 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh BR-VT, Ninh Thuận, Cao Bằng, Long An, Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT đã chủ trì thảo luận tổ. 

Các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như Hiệp định CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm.

PHÚC HẰNG

.
.
.