Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng
Ngày 31-10, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về 6 nội dung quan trọng liên quan đến các lĩnh vực: Công tác cán bộ, kinh tế, văn hóa - xã hội…
ỦNG HỘ CHỦ TRƯƠNG HUY ĐỘNG GÓP VỐN ĐẦU TƯ CỦA DN HƯỞNG LỢI
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: MINH TÂM |
Báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung điều chỉnh, bổ sung làm rõ hơn các hình thức đóng góp vốn đầu tư của DN được hưởng lợi từ các công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư, đồng chí Trần Ngọc Khánh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, thời gian qua, tỉnh BR-VT đã thực hiện huy động góp vốn đầu tư của DN hưởng lợi theo 3 hình thức sau: DN hưởng lợi tự bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ dự án (không sử dụng vốn ngân sách), khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ bàn giao cho Nhà nước quản lý; DN hưởng lợi chia sẻ trách nhiệm đầu tư với Nhà nước và DN hưởng lợi ứng trước tiền cho ngân sách đầu tư, không tính lãi suất. Các công trình thực hiện huy động đóng góp của DN tập trung vào các dự án: Đường giao thông, cầu, kè, bến cảng, hào kỹ thuật, công trình ngầm… Tuy nhiên hiện nay, việc huy động góp vốn đầu tư của DN hưởng lợi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chưa có quy định yêu cầu bắt buộc DN hưởng lợi phải đóng góp hay ứng trước vốn đầu tư với Nhà nước nên không có cơ sở để áp dụng trên toàn tỉnh; khi DN hưởng lợi đã cam kết đóng góp nhưng trong quá trình triển khai dự án, DN không thực hiện hoặc không đóng góp đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án như đã cam kết dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các đơn vị liên quan với Nhà nước…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, với hình thức góp vốn thứ nhất, DN hưởng lợi tự bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ dự án (không sử dụng vốn ngân sách), khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ bàn giao cho Nhà nước quản lý. Đối với hình thức thứ 2 và thứ 3 có vốn của Nhà nước thì phải xác định rõ đó là những công trình đầu tư công nên phải đấu thầu dự án và phải do Nhà nước làm chủ đầu tư. Về cơ bản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủng hộ chủ trương huy động góp vốn đầu tư của DN hưởng lợi, nhưng phải đúng quy định của pháp luật.
XÂY DỰNG BR-VT TRỞ THÀNH TỈNH MẠNH VỀ CNTT
Tại cuộc họp, đồng chí Lê Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở TT-TT đã báo cáo dự thảo "Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế". Theo đó, mục tiêu chung của tỉnh là đổi mới công nghệ và cung ứng dịch vụ CNTT rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong 5 ngành mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025, BR-VT sẽ trở thành tỉnh mạnh về ứng dụng, phát triển CNTT. Để đạt mục tiêu này, có 8 nhóm giải pháp gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh; xây dựng hạ tầng thông tin của tỉnh đồng bộ, hiện đại; ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, hiệu quả; ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phát triển công nghiệp CNTT; phát triển nguồn nhân lực CNTT, nâng cao năng lực quản lý, điều hành; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí về nội dung dự thảo. Một số đại biểu đề nghị, trong chương trình này, cần đưa ra yêu cầu mới về việc bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, cán bộ được bổ nhiệm trong thời gian tới phải sử dụng và ứng dụng thành thạo CNTT. Ngoài ra, chương trình cũng cần đưa ra các giải pháp để nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức…
NHIỀU HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổng Biên tập Báo BR-VT phát biểu ý kiến về đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Ảnh: MINH TÂM |
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo tổng kết công tác tổ chức Festival Biển BR-VT năm 2018, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức các sự kiện giai đoạn 2018-2021 và chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Festival Biển 2018 diễn ra vào đúng dịp lễ 2-9 nên đã đạt được một số kết quả tích cực trong thu hút khách du lịch. Festival có sự tham gia của 11 tỉnh, thành trong các hoạt động hội chợ triển lãm, trưng bày đặc sản địa phương. Nguồn kinh phí tổ chức 100% huy động từ xã hội. Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị gấp rút nên Festival Biển 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót như: Một số hoạt động chưa diễn ra như kịch bản được duyệt; thời tiết mưa gió ảnh hưởng đến hoạt động tham quan, biểu diễn; công tác quảng bá, tuyên truyền chưa lan tỏa sâu rộng; khâu vận động tài trợ gặp khó khăn; lễ khai mạc và bế mạc mang ý nghĩa chính trị, văn hóa cao nhưng nội dung chưa xứng tầm với vị thế của BR-VT.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm cá nhân, tổ chức để chậm trễ phê duyệt kế hoạch Festival Biển dẫn đến công tác tổ chức bị động, gấp rút, để lại dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu du lịch của tỉnh. “Việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho Festival Biển rất tốt, nhưng cũng khiến cơ quan Nhà nước mất kiểm soát. Festival Biển 2018 là cuộc tập dợt cho những sự kiện tiếp theo. Tuy nhiên, để sự kiện thành công và có sự kiểm soát, chi phối từ Nhà nước, những sự kiện lần sau, UBND tỉnh cần xem xét chi kinh phí phù hợp để cơ quan Nhà nước kiểm soát và điều phối nội dung”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Về kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện giai đoạn 2018-2021 và chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh, theo dự kiến, từ năm 2019, BR-VT sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa-du lịch lớn như: Liên hoan phim Việt Nam, Festival diều quốc tế, Lễ hội âm thanh-ánh sáng, Festival biển, Năm Du lịch quốc gia, Liên hoan khinh khí cầu quốc tế… Tại cuộc họp, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều cho rằng, BR-VT cần duy trì một số sự kiện thường niên để tạo tiếng vang cho du lịch, tuy nhiên tần suất tổ chức 1 năm 1 lần hay 2 năm 1 lần/sự kiện cần chọn lọc phù hợp với mục tiêu, điểm nhấn theo năm, giai đoạn của tỉnh. Bên cạnh đó, năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh, vì vậy ngay từ bây giờ, UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn dân, xây dựng công trình kiến trúc-văn hóa có ý nghĩa biểu tượng nhằm đánh dấu 30 năm thành lập tỉnh từ nguồn vốn ngân sách, bảo đảm tiêu chí thẩm mỹ nhưng không lãng phí.
QUANG VŨ - ĐĂNG KHOA