.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề "nóng"

Cập nhật: 15:46, 31/10/2018 (GMT+7)

Ngày 31-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục họp phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT tham dự phiên họp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT tham dự phiên họp.

Sửa ngay những quy định gây phản cảm

Đại biểu  Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu câu hỏi: Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay. “Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay”, đại biểu Hiền chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát các văn bản, trong đó có thông tư ban hành trong nhiều năm gần đây. Quy định bán dâm đối với học sinh, sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có thông tư. Như vậy, thực tế quy định này đã có. Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa lên website dẫn đến phản ứng của xã hội. “Khi có thông tin, tôi chỉ đạo xử lý ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là nội dung này không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội”, Bộ trưởng cho hay.

Liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp

Liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn về các giải pháp tạo đột phá cho đối tượng này.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới sẽ gắn với 2 trục xoay: Tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao, đồng thời triển khai đồng bộ 6 giải pháp mà Chính phủ đề ra. Trong đó, tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo gắn với đầu ra. “Việc đào tạo dạy nghề cũng được thực hiện bài bản hơn, từng bước hình thành thị trường lao động. Không chỉ là kỹ năng nghề nghiệp mà còn có tiêu chuẩn và kiến thức thị trường, tác phong hội nhập”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, tháng 12-2018, Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTBXH sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo hạn chế trục lợi các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người đứng đầu ngành LĐTBXH khẳng định, thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào các vấn đề lớn, đó là tập trung xây dựng thể chế, đặc biệt quan tâm tích hợp các chính sách, bảo đảm rõ ràng, khả thi, đồng bộ; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách; công khai, minh bạch các chính sách trong nhân dân, để nhân dân theo dõi, giám sát; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm tất cả các vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Ngăn chặn vi phạm trên mạng 

Đề cập đến vấn đề quản lý Nhà nước trên môi trường mạng, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, tin độc, tin bẩn, hình ảnh phản cảm, lợi dụng mạng để đánh bạc nghìn tỉ, rửa tiền, lừa đảo qua mạng... đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, đạo đức, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Dù Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xử lý giải quyết nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây bất an cho gia đình, xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp đột phá khắc phục tình trạng này.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới được Quốc hội phê chuẩn nên vấn đề này do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. “Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên mạng có lừa đảo; cuộc sống thật có đánh bạc thì trên đó có đánh bạc; cuộc sống thật có tống tiền thì trên đó có tống tiền... Vì thế, chúng ta phải hoàn thiện các quy định của pháp luật; tất cả các quy định pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý đến các hình thái phát sinh trên không gian mạng và ngược lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các vi phạm trên không gian mạng khó phát hiện, khó đấu tranh hơn; các hành vi vi phạm, phạm tội trên mạng thường bị xoá dấu vết, khó truy tìm, cần phải thông qua các giải pháp kỹ thuật, giám định. Đây chính là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành có liên quan. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền để tất cả mọi người được “xoá mù” về tri thức công nghệ, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin.

Nâng cao chất lượng xét xử  

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, số đơn gửi giám đốc thẩm, tái thẩm những năm gần đây rất nhiều. Theo quy định, việc xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3, tuy nhiên lượng đơn gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao, khoảng 2.000 đơn trong 2018. Trong năm, Hội đồng Thẩm phán đã giải quyết được 53% số đơn (hơn 1.200 đơn giám đốc thẩm, tái thẩm), đây là nỗ lực rất lớn của Hội đồng Thẩm phán.

Theo Chánh án, việc kéo dài lên giám đốc thẩm mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, Chánh án cho rằng phải nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ tòa án nhằm hạn chế sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm.

PHƯƠNG HẠNH

.
.
.