.
XÂY DỰNG ĐẢNG

Những quan điểm tạo đột phá trong công tác cán bộ

Cập nhật: 19:47, 16/07/2018 (GMT+7)

Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược cán bộ đã cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Hơn 20 năm qua là quãng thời gian trải nghiệm cho Đảng đúc kết, nâng tư duy về công tác cán bộ lên một tầm cao mới, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển giao từ thế hệ cán bộ trưởng thành trong chiến đấu, được học tập chủ yếu tại các nước XHCN sang thế hệ cán bộ sinh sống trong hoà bình, được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có chế độ chính trị khác nhau. 

Đồng chí Đào Văn Giả, Bí thư Chi bộ ấp Vinh Thanh  (Thị trấn Ngãi Giao huyện Châu Đức) trao đổi công việc với bà Dương Thị Sáng, Trưởng Ban điều hành ấp (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: BẢO KHÁNH
Đồng chí Đào Văn Giả, Bí thư Chi bộ ấp Vinh Thanh (Thị trấn Ngãi Giao huyện Châu Đức) trao đổi công việc với bà Dương Thị Sáng, Trưởng Ban điều hành ấp (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: BẢO KHÁNH

Trong công tác cán bộ, các khâu, các bước đều khởi đầu từ việc đánh giá và để nâng cao chất lượng công tác cán bộ trước hết đòi hỏi phải đổi mới khâu đánh giá. Đánh giá cán bộ phải trở về đúng với quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin: Khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể và phát triển. Đảng ta đã cụ thể hóa việc đánh giá cán bộ mang tính đột phá theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả, so sánh với các chức danh tương đương, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đổi mới cách đánh giá sẽ bảo đảm tính chính xác cao, tạo ra sự công bằng và là cơ sở để lựa chọn, sử dụng, đề bạt, khen thưởng đối với cán bộ đúng đắn hơn. 

Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có tác động trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, của chế độ. Trên thực tế, khi ở một số cán bộ được trao quyền lực và thực tế cho thấy hiện tượng lạm quyền và tha hóa quyền lực xuất hiện. Để phòng ngừa và ngăn chặn, quan điểm của Đảng, đồng thời cũng là giải pháp mang tính đột phá thứ hai: Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Chạy chức, chạy quyền, tham vọng quyền lực và lạm quyền đều là hành vi tham nhũng nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Do vậy, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực theo hướng đã trao quyền phải đi đôi với ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng. Mặt khác, công tác cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, tiến hành thường xuyên việc kiểm tra, giám sát, thanh tra và phải có “bàn tay sắt” xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Đảng chủ trương: Phải chú trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh vị trí việc làm, khuyến khích chế độ thi tuyển các chức danh lãnh đạo, tiến tới “bỏ chế độ biên chế suốt đời” và loại bỏ một thực tế: Cán bộ đã lên không bao giờ xuống, đã vào không bao giờ ra! Đột phá mạnh mẽ đó, một mặt mở ra cho người tài đức cơ hội được đảm nhiệm, cống hiến ở vị trí xứng đáng trong hệ thống chính trị, mặt khác tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức phải gắng sức phấn đấu học tập, rèn luyện liên tục.

Kế thừa kinh nghiệm quý báu của ông cha, Đảng đề ra và kiên quyết thực hiện: Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và khuyến khích một số chức danh cán bộ chủ chốt khác không là người địa phương để hạn chế tối đa tha hóa quyền lực. Cùng với đó Đảng đề ra chính sách tiền lương mang tính đột phá mới, cơ bản, toàn diện, căn cơ, loại bỏ được tối đa những hạn chế, khiếm khuyết của cơ chế, chính sách tiền lương trước đây.

Nhân dân ta rất cách mạng, trung thực, công bằng và nhân văn. Do vậy, để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất thiết phải phát huy được vai trò to lớn của nhân dân. Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa XII) cho rằng đây là một trong 5 đột phá của công tác cán bộ trong thời gian tới. Để phát huy được vai trò của nhân dân cần phải hoàn thiện cơ chế dân được biết, được bàn, được làm và được giám sát công tác cán bộ một cách thực chất nhất; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với công tác cán bộ và cá nhân từng cán bộ. Đảng yêu cầu cán bộ có thẩm quyền phải thực hiện tiếp dân theo chế độ quy định. Cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, lắng nghe để hiểu tâm tư, nguyện vọng và nắm chắc tình hình nhân dân; xử lý kịp thời, hiệu quả những ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; duy trì mối quan hệ khăng khít, mật thiết với dân để qua đó nhân dân thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên.

Ý Đảng lòng dân đã gặp nhau: Sự thống nhất, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân được nâng cao. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc nhất đưa công tác cán bộ bước sang trang mới thành công hơn.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.