.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Cập nhật: 19:47, 16/07/2018 (GMT+7)

Sáng 16-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TRÍ DŨNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TRÍ DŨNG

Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quốc hội, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò dân chủ đại diện; tập trung chỉ đạo, thực hiện thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân (tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,35%).

Việc thực hiện kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai song song với kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các cấp... 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề, tập trung vào một số nội dung như Công tác thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; kết quả, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. 

Tổng Bí thư chỉ rõ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình, dồn điền, đổi thửa... tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém như công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin... 

Tổng Bí thư nêu một thực tế lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả. 

Tổng Bí thư đề nghị nơi nào đã làm tốt rồi thì cần duy trì và làm tốt hơn; nơi nào làm chưa tốt hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thì phải đôn đốc, chấn chỉnh, giúp đỡ để thực hiện tốt dần lên. Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hóa, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng.

Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân. 

QUỲNH HOA, HIỀN HẠNH

.
.
.