.

Thể hiện lòng yêu nước đúng cách, đúng pháp luật

Cập nhật: 16:16, 17/06/2018 (GMT+7)

Trong những ngày diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nhiều vấn đề quốc gia đại sự được các Đại biểu Quốc hội thảo luận, với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như: Thảo luận, cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật An ninh mạng… 

Đoàn viên, thanh niên̉ BR-VT sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở tổ 84, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Ảnh: MINH NHÂN 
Đoàn viên, thanh niên̉ BR-VT sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở tổ 84, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Ảnh: MINH NHÂN 

Thật đáng tiếc khi Quốc hội còn đang bàn bạc, mới đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các Đại biểu về một số nội dung xây dựng đặc khu kinh tế thì với những thông tin ban đầu được tiếp nhận chưa đầy đủ, bị xuyên tạc nên một bộ phận nhỏ quần chúng nhân dân đã vội phản ứng, rơi ngay vào bẫy của kẻ xấu. Chúng ra sức công kích, xúi giục, thậm chí là mua chuộc, chúng trà trộn, mượn danh nghĩa yêu nước để gây rối an ninh trật tự. 

Trước những biểu hiện manh động, quá khích đó, các lực lượng chức năng đã luôn cảnh giác, giữ thái độ bình tĩnh kiên trì vận động quần chúng giữ trật tự, không mắc mưu kẻ xấu, đồng thời kịp thời ngăn chặn các hành động gây rối ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận, Nghệ An… 

Một nguyên lý khách quan cần được nhận thức và vận dụng triệt để, đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, bởi mọi hành vi trái với pháp luật quy định đều là vi phạm pháp luật. Đối với những vấn đề trọng đại, nhân dân càng phải tỉnh táo, không vì bất cứ lý do gì mà hành động bất chấp khi những vấn đề đó không thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ… Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị lên án và cần xử lý nghiêm minh nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước. Một xã hội yên bình, ngoài sự cố gắng, quyết tâm của lực lượng chức năng thì cần hơn bao giờ hết chính là thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân. Lòng yêu nước của nhân dân phải được hiểu một cách đầy đủ, trân trọng nhất, đó chính là khi nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với các vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước, khi phát hiện những mặt trái, mặt tiêu cực cần có biện pháp đấu tranh, không né tránh. Người dân hoàn toàn có quyền chất vấn, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình với Đảng, Nhà nước, nhưng không theo cách thức tiêu cực như chúng ta thấy ở Bình Thuận vừa qua. Nhân dân đã rất tích cực, thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem tivi, nghiên cứu về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, kịp thời nắm bắt thông tin, một mặt làm giàu vốn tri thức của mình, đồng thời hiểu được những quyết sách của Đảng, Nhà nước.Do vậy, việc lựa chọn các kênh thông tin truyền thông chính thống là một yêu cầu khách quan, cần thiết. Các trang mạng xã hội cũng là một kênh tham khảo, tuy nhiên cách nghe, cách tiếp cận thông tin phải chọn lọc, tỉnh táo để hiểu biết đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để không bị lợi dụng và tin theo những suy diễn lệch lạc.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi: “...đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Thực tế cho thấy, lòng yêu nước đã ngự trị trong mỗi người con đất Việt qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Yêu nước là lắng nghe, thấu hiểu và góp ý chính danh cho mỗi quyết sách của Đảng và Nhà nước.

VÕ KIÊN
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

.
.
.