Chủ động giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở
Một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, từ thực tiễn quá trình này đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, ở địa bàn nông thôn. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ tình hình, nguyên nhân để từ đó gương mẫu, đi đầu, chủ động trong đề ra các giải pháp khắc phục những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.
Nhìn một cách khái quát, những năm qua, việc giải quyết, tháo gỡ các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Những kết quả đó đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân; kịp thời giải tỏa những bức xúc từ cơ sở; phát hiện và xử lý sớm những việc làm vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự, xây dựng củng cố lòng tin của người dân.
Tuy nhiên bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề nảy sinh, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân chưa kịp thời; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn ra gay gắt và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Theo phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, đa phần những vấn đề nảy sinh dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo là từ cơ sở, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến tham nhũng, lãng phí; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các công trình, dự án; tình trạng các doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm; những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh...
Một trong những nguyên nhân sâu xa của những tồn tại, yếu kém đó đã được Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ tình trạng cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Đúng như đánh giá của Trung ương, vai trò gương mẫu, đi đầu trong giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở của cán bộ, đảng viên là một trong những vấn đề đặt ra hiện nay. Chúng ta đều biết, bộ máy hành chính cấp xã, phường là cấp chính quyền cơ sở trực tiếp và sát nhất với cuộc sống nhân dân. Thực tế việc tháo gỡ những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, công tác khiếu nại, tố cáo thời gian qua cho thấy nếu đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm việc công tâm, khách quan, biết lắng nghe ý kiến người dân, có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, chắc chắn sẽ hạn chế được những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, người dân sẽ đồng thuận và dừng việc khiếu nại ngay từ cơ sở. Ngược lại, nếu cấp ủy, chính quyền cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng, không thấu lý, đạt tình thì người dân sẽ bức xúc, khiếu nại lên cấp trên và sự việc sẽ trở lên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra một trong những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, đó là: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Để chữa trị căn bệnh nguy hiểm này, Ban chấp hành Trung ương đã đề ra nhiều biện pháp. Nhưng trước hết, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong bộ máy lãnh đạo, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, phải nghiêm túc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII để nhận rõ những ưu điểm, hạn chế yếu kém, nhất là về phong cách làm việc, để từ đó tìm biện pháp khắc phục tình trạng quan liêu xa dân, thiếu quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc từ cơ sở. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là, không gì có thể thay thế được việc xây dựng tổ chức mạnh để giáo dục, quản lý, rèn luyện những thành viên của tổ chức tốt. Do đó, trước hết phải xây dựng và không ngừng nhân lên những nhân tố tích cực trong Đảng và trong xã hội. Cán bộ, đảng viên hoạt động trong một tổ chức đảng giàu sức chiến đấu, một môi trường xã hội lành mạnh, tốt đẹp thì không thể thiếu trách nhiệm, không thể thờ ơ, vô cảm với những bức xúc nảy sinh từ cơ sở và càng không thể không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Đi kèm với đó để nắm bắt và giải quyết kịp thời những bức xúc từ cơ sở. Một biện pháp đã và đang được nhiều đơn vị, địa phương tiến hành đó là tăng cường đối thoại với nhân dân. Đối thoại với nhân dân không chỉ là cơ hội để cán bộ, đảng viên lắng nghe trực tiếp những tâm tư, nguyện vọng của người dân, mà còn là cách tốt nhất để giảm tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp phức tạp, kéo dài. Đây cũng là cách rất tốt để tạo ra sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở với nhân dân trong giải quyết các vấn đề bức xúc.
TRẦN NGUYỄN HÀ LINH