.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Bảo đảm tính khả thi của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Cập nhật: 18:30, 31/05/2018 (GMT+7)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 31-5, Quốc hội nghe Chính phủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).  

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: NGUYỄN DÂN
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: NGUYỄN DÂN

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. 

Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ ở khoản 6 Điều 4 cho phù hợp với việc dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tránh gây khó khăn cho DN. Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37 của dự thảo Luật), nhiều đại biểu tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ thể hiện quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại Điều 37 của dự thảo Luật như phương án 1 của dự thảo Luật. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. 

Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là một dự án Luật rất quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...  

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự. 

THU PHƯƠNG

.
.
.