.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 19:08, 27/02/2018 (GMT+7)

Phong cách quần chúng là tài sản quý giá mà Hồ Chí Minh để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phong cách đó được đúc kết, chắt lọc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, tỏa sáng và soi rọi cho các thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo, làm theo trong suốt gần 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Cục Thuế tỉnh tham gia chương trình “Ngày thứ bảy tình nguyện” làm thêm ngoài giờ để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Cục Thuế tỉnh tham gia chương trình “Ngày thứ bảy tình nguyện” làm thêm ngoài giờ để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, trên hết, trước hết. Với Người, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh của nhân dân là vô cùng, vô tận; có dân là có tất cả: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Chính tình thương dân mà Người đã dành tất cả tuổi thanh xuân của mình để đi tìm con đường cứu nước, cứu dân; suốt cuộc đời Người chỉ canh cánh nỗi trăn trở, lo toan, hy sinh tất cả riêng tư để mưu cầu hạnh phúc cho dân. Người luôn thương dân, tin dân, biết dựa vào dân, sống như dân, sống hòa đồng và hầu như không có một sự cách biệt nào với dân. Giữa bộn bề việc nước, việc Đảng, Người vẫn dành thời gian thích đáng về với nhân dân để lắng nghe, thấu hiểu những ý nguyện của dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng và đưa ra những quyết sách hợp với lòng dân. Người vui cùng với niềm vui của dân và Người quặn đau trước những nỗi đau của dân, Người nói: “Hễ còn một người Việt Nam đói khổ là tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người vẫn sống một cuộc sống như những người dân bình dị, thanh tao: Hàng ngày vẫn mặc quần áo đã cũ sờn; vẫn ăn cơm độn ngô khoai; vẫn cùng công nhân vào nhà máy, hầm mỏ; cùng nông dân ra đồng tát nước, cấy lúa; cùng bộ đội ngồi trên mâm pháo canh giữ bầu trời Tổ quốc…  Dù đứng trên đỉnh cao của quyền lực, nhưng bản thân không màng tới bất cứ lợi lộc gì, mà ngược lại Người đã dành trọn quyền lực dân ủy thác để phấn đấu hoàn thành duy nhất một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. 

Hiện thân phong cách quần chúng của Người không chỉ có sức hút kỳ lạ, lôi cuốn, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, mà còn thường xuyên được Người giáo dục, chỉ bảo để mọi người tuân thủ đúng đường lối quần chúng của Đảng. Người dạy: “Cán bộ phải sâu sát, gần gũi nhân dân. Nếu cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Người dặn: “Các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ , không nên ngồi ở bàn giấy, theo kiểu chỉ đạo nhân phòng thủ”; cán bộ huyện “phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được”. Phải thường xuyên học dân, hỏi dân, nghe dân, trong mỗi công tác, trong mỗi chính sách phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân, “không học hỏi dân chúng thì không lãnh đạo được dân chúng”. Đặc trưng sâu xa nhất của phong cách quần chúng Hồ Chí Minh là “Dĩ dân vi bản” và “Từ trong quần chúng mà ra và phải trở về nơi quần chúng”. Nghĩa là Người luôn khuyên dạy cán bộ, đảng viên phải biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết; mọi suy nghĩ, hành động, mọi chủ trương chính sách, quyết định của Đảng và Nhà nước các cấp đều phải dựa trên cơ sở ý kiến của quần chúng; mọi thành quả cách mạng người dân phải được thụ hưởng xứng đáng. Riêng cán bộ, đảng viên phải biết chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân mình “lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ”. 

Để dân tin, dân yêu, dân nghe và dân theo, Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên phải có cuộc sống trong sáng, giản dị, không cho phép mình hưởng bất cứ điều gì thuộc về “đặc quyền, đặc lợi”; thường xuyên rèn luyện để tránh căn bệnh xa dân, coi khinh nhân dân, đứng trên dân để dạy bảo dân, tham nhũng, lãng phí, phô trương hình thức...

Đất nước đã và đang bước vào thời kỳ khởi nghiệp, tái cơ cấu lại nền kinh tế nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Đại hội XII của Đảng đề ra. Hơn lúc nào hết, người cán bộ, đảng viên phải hết lòng, hết sức vì quần chúng, vì nhân dân, dám hy sinh lợi ích của cá nhân mình vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; hành động phải tuân thủ phương châm: Sâu sát cơ sở, luôn nghĩ về dân, “việc gì có lợi cho dân dù nhỏ mấy cũng phải hết sức làm” để đời sống vật chất, tinh thần cho dân ngày một tốt hơn. Trên cơ sở đó, động viên, tập hợp, giáo dục, đoàn kết toàn dân hăng hái, tự nguyện cống hiến theo tinh thần “lấy sức dân, tài dân để phục vụ dân”. 

Xây dựng phong cách quần chúng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi phải chú tâm, kiên trì rèn luyện, tu dưỡng theo lời Người dặn: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của người dân trên hết thảy, phải có tinh thần chí công vô tư”.

NGUYỄN QUANG PHI
(Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh BR-VT)

.
.
.