Bác gieo mầm lộc biếc cho muôn đời xanh tươi
Ngày 28-11-1959, Bác viết bài báo có tiêu đề “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực (Nhân Dân số 2082, ngày 28-11-1959). Bác đề nghị: “Tổ chức một Tết trồng cây lấy thành tích chào mừng Đảng ta 30 tuổi”…
Đoàn viên, thanh niên tỉnh BR-VT trồng cây tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: NHÂN ĐOÀN |
Phong trào “ Tết trồng cây” đã được khởi xướng đúng Tết Nguyên đán Canh Tý, từ ngày 6-1 đến ngày 5-2-1960. Phong trào phát triển nhanh, sôi nổi, rộng khắp. Tiếp tục chỉ đạo phong trào, ngày 25-3-1960, Bác lại viết bài báo “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” để biểu dương những đơn vị làm tốt và cá nhân “kiểu mẫu”, đồng thời căn dặn “trồng cây nào tốt cây ấy”. Để duy trì phong trào, ngày 28-1-1961, Bác viết tiếp bài “Tết trồng cây” (Nhân Dân số 2506 ngày 28-1-1961), Bác nhắc các địa phương tổ chức tốt “Tết trồng cây” mùa xuân 1961. Mùa xuân năm 1963, nhân dân ta đón Tết trong không khí miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt, Bác viết “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Trong lúc Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng… Ta trồng cho ta và cho cả đồng bào miền Nam”.
Tròn 5 năm phong trào “Tết trồng cây” phát triển sâu rộng, miền Bắc trồng được hơn 375 triệu cây và hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ven biển, Bác viết: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Trong quá trình chỉ đạo phong trào, Bác hướng dẫn các địa phương, các ngành, đoàn thể lồng ghép thực hiện phong trào trồng cây với các hoạt động khác. Ngày 21-8-1963, tại hội nghị Tuyên giáo miền núi, Bác căn dặn các đại biểu: “Cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng, vì rừng là vàng, biển là bạc”. Ngày 11-4-1964, Bác viết thư gửi các đại biểu dự hội nghị cá nhân tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp các tỉnh miền núi. Trong đó, Bác căn dặn: “Nếu rừng kiệt thì không còn gì, mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lũ lụt, hạn hán…”. Ngày 26-1-1964, Bác về thăm xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Tại đây, Bác khen Đào Xá trồng cây gây rừng giỏi (sau 3 năm thực hiện phong trào, Đào Xá trồng được 1 triệu cây lấy gỗ, 400 ngàn cây dứa, gieo 8 tấn hạt chè, phủ xanh đồi trọc). Cũng trong chuyến công tác này, Bác dừng lại nghỉ chân ăn cơm trên đồi Chu Mật, xã Thái Hòa, Bác nhắc nhở: “Phong cảnh Ba Vì sơn thủy hữu tình, nên trồng thêm nhiều cây xanh bóng mát thì vẻ đẹp càng tăng thêm nhiều”. Năm 1969, mặc dù sức khỏe của Bác giảm nhiều nhưng Bác vẫn có chương trình đi chúc Tết và trồng cây ở địa phương. Ngày 16-2-1969 (mùng một Tết Kỷ Dậu), sau khi thăm bộ đội phòng không, Bác đến thăm và chúc Tết bà con Ba Vì, tới làng Vật Lại anh hùng. Bác dừng chân nghỉ trên đồi ngắm nhìn Tản Viên. Bác đã trồng cây đa trên đồi Yên Bồ, xã Vật Lại. Đây là lần cuối cùng Bác thăm bà con nông dân và trồng cây đa trước lúc đi xa.
Dường như chưa hẳn yên tâm với việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, nên trước lúc đi xa 7 tháng, Bác còn viết tiếp bài báo về Tết trồng cây. Ngoài việc biểu dương những địa phương làm tốt, Bác phê bình những nơi trồng nhiều mà sống ít, lần này Bác nhắc đến trách nhiệm chủ yếu là do cấp ủy, ủy ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây.
Phong trào Tết trồng cây đã qua hơn nửa thế kỷ, trong đó có 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp. Đến nay, mặc dù chưa trọn vẹn theo ý Bác, còn một số địa phương để phá rừng, cháy rừng, trồng cây chưa chăm bón, có khi tổ chức phong trào còn hình thức, nhưng nhiều năm qua đã khẳng định phong trào đạt kết quả tốt, có nhiều ý nghĩa từ nhận thức đến thực tiễn, đã trở thành nét văn hóa của dân tộc ta. Hằng năm, từ các đồng chí lãnh đạo đến mỗi người dân đều tham gia trồng cây mùa xuân. Nhiều địa phương đã có kế hoạch cụ thể, nhiều chính sách và các chương trình lâm nghiệp được triển khai. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, tuổi trẻ cả nước đã trồng 2.000ha rừng, với 22 triệu cây xanh các loại được đoàn viên trồng mới và chăm sóc.
Năm 2017, việc trồng rừng, bảo vệ rừng, chống cháy rừng đã được chú ý hơn nên độ che phủ rừng đã được cải thiện. Phong trào trồng cây ở các địa phương có nhiều hình thức thu hút được nhiều người tham gia.
Thực hiện ý tưởng của Bác về xây dựng nông thôn mới và “Tết trồng cây”, chúng ta càng thấm thía con người sống không thể tách rời khỏi thiên nhiên, không thể thiếu cỏ, cây, phải biết giá trị to lớn của thiên nhiên ban tặng. Ngày nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, bão lũ xảy ra thường xuyên thì việc thực hiện phong trào “Tết trồng cây” do Người phát động càng có ý nghĩa.
Trần Công Huyền