Bảo đảm quyền văn hóa cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Khi xem xét, đánh giá về vấn đề dân tộc, nếu chỉ nhìn nhận về trình độ kinh tế của các dân tộc thiểu số (DTTS) một cách đơn thuần thì dễ đưa ra nhận định chủ quan, phiến diện về đời sống thực tế. Muốn hiểu đúng bản chất, khách quan, toàn diện về vấn đề dân tộc thì ngoài việc bảo đảm về quyền chính trị, kinh tế, xã hội, không thể không tính đến một yếu tố rất quan trọng, đó là việc bảo đảm quyền văn hóa cho các DTTS có được hiện thực hóa trong thực tế hay không.
Tuy chỉ chiếm tỷ lệ dân số nhỏ, song các DTTS Việt Nam là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, 53 DTTS là đối tượng dễ bị “tổn thương văn hóa” trong quá trình phát triển, vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định, cùng với chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, xóa đói giảm nghèo, việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược phải thực hiện kiên trì, lâu dài.
Việc coi trọng bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); đặc biệt, được thể hiện sâu sắc tại 2 nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Một trong 10 nhiệm vụ cụ thể được nêu ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (năm 1998) là “Bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư và tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật các DTTS. Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (năm 2014) định hướng phải giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các DTTS, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống của các DTTS. Để bảo đảm các quyền của các DTTS, Điều 42 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”…
Không chỉ đề ra chủ trương, luật pháp, Nhà nước Việt Nam đã chủ động lắng nghe, tiếp thu những ý kiến từ chính bà con DTTS để hoàn thiện chính sách phù hợp với lòng dân. Cách đây 3 năm (tháng 8-2015), Bộ VHTTDL đã mời hơn 50 đại biểu là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín thuộc các DTTS (Pà Thẻn, Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô, Ngái, La Hủ, Lự, Mảng, Cống, Si La, La Ha, Bố Y, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm) về Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị-hội thảo “Giải pháp Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 DTTS có số dân dưới 10.000 người”. Tại đây, người dân không chỉ nêu lên tâm tư, nguyện vọng mà còn trực tiếp góp ý, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề tâm huyết về bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các DTTS.
Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhiều nghi lễ đặc sắc, nhiều trò chơi dân gian của các DTTS được khôi phục, phát huy trong ngày hội văn hóa diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều ngày hội văn hóa vùng miền, như: Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, miền Đông Nam Bộ… được Bộ VHTTDL tổ chức 2-3 năm/lần. Những nét đẹp về dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, trang phục truyền thống, ẩm thực của nhiều DTTS tưởng như bị “phủ” một lớp bụi thời gian, nay được khôi phục, giới thiệu để đông đảo công chúng biết đến khi các địa phương tổ chức các ngày hội riêng của các dân tộc, như: Mông, Mường, Hoa, Thái, Chăm, Khmer…
Cùng với tạo điều kiện cho văn hóa các DTTS được bảo tồn, phát huy, những năm qua, các cấp chính quyền cũng đã có những việc làm thiết thực để đồng bào từng bước cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đến nay, phần lớn các thôn, bản, phum, sóc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã hoàn thành và đang xây dựng nhà văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong 5 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, có 2 tiêu chí liên quan đến bảo đảm quyền văn hóa cho đồng bào các DTTS, đó là giáo dục và tiếp cận thông tin. Theo đó, đến năm 2020, 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ phương tiện nghe-xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo. Cụ thể hóa đề án trên, mấy năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp miễn phí 18 đầu báo, tạp chí cho các xã thuộc vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Cuối tháng 11-2017, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định cấp radio miễn phí cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo và trưởng các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng cấp thôn (thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh…) ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang.
Một tờ báo, một chiếc radio có thể không đáng là bao với những người có điều kiện kinh tế, nhưng đó là tài sản văn hóa rất ý nghĩa với những người DTTS nghèo. Hơn thế, nói mộc mạc như bà con dân tộc, đó chính là cầu nối thông tin giữa Chính phủ và đồng bào, là ánh sáng văn hóa của Đảng soi rọi cho người dân vùng sâu, vùng xa nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn tới cuộc sống no ấm, văn minh.
THIỆN VĂN