.
CHỐNG DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Cập nhật: 17:01, 22/01/2018 (GMT+7)

Lịch sử Cách mạng Việt Nam đã chứng minh một cách hùng hồn: Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân để đạt được điều này, ngoài việc Đảng có đường lối đúng đắn, mục đích rõ ràng: Vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân… thì Đảng đã xây dựng được đội ngũ đảng viên trong sạch, đoàn kết… được đông đảo quần chúng nhân dân tin, yêu và tự nguyện đi theo Đảng, tạo nên một khối đại đoàn kết, một sức mạnh vô địch, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đánh bại các kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, làm chấn động địa cầu bằng thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ-1954”, “Điện Biên Phủ trên không-1972” và thắng lợi vang dội của “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, đem lại thống nhất đất nước ngày 30-04-1975…

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, Đảng đã không tránh khỏi những khuyết điểm như: Tự mãn, bảo thủ, tệ quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết… điều mà Bác Hồ đã trăn trở không yên, căn dặn lại cho Đảng: “Phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác... Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” qua bản di chúc bất hủ, một tài sản vô giá mà trước lúc đi xa Bác đã để lại cho Đảng ta và các thế hệ con cháu mai sau.

Với mục tiêu chân chính của một chính đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã kịp thời chỉ rõ: Nếu không sửa đổi, chỉnh đốn Đảng, chắc chắn sẽ mất lòng tin của quân chúng nhân dân và sẽ mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Do vậy, Đảng đã nhiều lần đổi mới về mặt tư duy, lý luận, xem trọng và đổi mới phong cách, năng lực lãnh đạo, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hoá trong cán bộ, đảng viên… và đã đem lại những thành quả đáng ghi nhận: Đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đưa vị thế của nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế.

Song, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự tác động của bối cảnh quốc tế, sự chống phá của các thế lực thù địch…, hiện nay, Đảng ta đang đối mặt với một số thách thức như: Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ hách dịch, cửa quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày một diễn biến phức tạp, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng thêu dệt, nói xấu, bôi nhọ, kích động nhân dân biểu tình, bạo loạn…

Đúng lúc dầu sôi, lửa bỏng đó, tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sáng suốt, mạnh dạn đưa ra chủ trương: Phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ban hành Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh. Và thực tế quá trình triển khai thời gian vừa qua cho thấy: Không chỉ bằng nghị quyết suông của Đảng, mà bằng hành động cụ thể, triệt để: “không có vùng cấm”, “lò đã nóng”… Đảng ta đã kiên quyết trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng. Lần đầu tiên, nhân dân được thấy Đảng dám xử lý Ủy viên Bộ Chính trị, xử lý những cán bộ, đảng viên cao cấp, đương chức như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá)…

Hội nghị Trung ương 4.
Hội nghị Trung ương 4.

Dẫu biết rằng xử lý như vậy là đã muộn, là nỗi đau của Đảng, nhưng không thể không xử lý... Bởi chỉ có như vậy, Đảng mới giữ vững vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình: Là người lãnh đạo nhân dân và cả hệ thống chính trị... và mãi xứng đáng là “Đảng ta”, một cách gọi thân thương mà từ lâu nhân dân đã dành riêng cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

TRẦN DÂN

.
.
.