.
KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Quân và dân đồng bằng sông Cửu Long chung lưng đánh địch

Cập nhật: 19:12, 21/01/2018 (GMT+7)

Thực hiện quyết tâm này, đêm 30 rạng sáng 31-1-1968 (mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn... đưa chiến tranh vào tận hang ổ và cơ quan đầu não của địch. 

Trên chiến trường Quân khu 9, tại TP. Cần Thơ, đúng 3 giờ ngày 31-1-1968, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu quy định. Từ hướng Nam, Tiểu đoàn Tây Ðô nhanh chóng tiêu diệt địch trên hướng tiến công, làm chủ trục giao thông từ cầu Ðầu Sấu đến ngã ba đường Tự Ðức, mở rộng tiến công Tòa lãnh sự quán Mỹ và cơ quan tình báo Mỹ trên đường Hùng Vương. Tiểu đoàn 307 đánh chiếm khu vực Ðài Phát thanh, khu vực hậu cần, trung tâm nhập ngũ Vùng 4 Chiến thuật. Ở hướng Bắc, Tiểu đoàn 303 và lực lượng đặc công đánh vào Phi trường 31. Ðại đội 3, Tiểu đoàn 303, tiến công khu Thông tin tại Lộ Tẻ. 

Cùng với lực lượng vũ trang tiến công địch, nhân dân thành phố nổi dậy gỡ nhiều đồn bốt khu vực lộ Vòng Cung, mở rộng đường hành lang tiếp tế, tải thương. Phối hợp với tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng cũng nổi dậy, tiến công binh vận, bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược, dẫn đường, tiếp tế, nuôi chứa điều trị, che giấu thương binh...  Các huyện phía sau huy động hàng ngàn thanh niên, bổ sung cho các đơn vị bộ đội, bảo đảm chiến đấu liên tục. Sau khi rút ra vùng ven, suốt 60 ngày đêm bám trụ, tiến công quần lộn với địch, nhân dân lộ Vòng Cung, đã sát cánh với bộ đội, tải thương, tải đạn, tiếp tế cơm nước, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã dỡ cột nhà, ván ngựa giúp bộ đội xây đắp công sự chiến đấu.

Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ qua lộ Vòng Cung, tiến về TX. Cần Thơ, Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L
Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ qua lộ Vòng Cung, tiến về TX. Cần Thơ, Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Tại TX. Vĩnh Long, đúng 1 giờ ngày 31-1-1968, từ hướng Nam thị xã, Tiểu đoàn 306 nổ súng, tiến công chiếm khu truyền tin Hoa Lư, bao vây hậu cứ Tiểu đoàn 43 biệt động quân, khống chế Dinh Tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát và nhiều mục tiêu quan trọng khác, làm chủ hầu hết các mục tiêu trong nội ô thị xã. Ở hướng Đông, Tiểu đoàn 308, do không vượt qua được sông Long Hồ và bị địch phản kích mạnh, phải triển khai đội hình bao vây, đánh địch phản kích, căng kéo địch ở phường 5, chi viện cho Tiểu đoàn 306 đánh địch trong nội ô. Trong hai ngày 2 và 3-2-1968, Tiểu đoàn 306 tổ chức đánh lấn từng khu vực, chiếm tòa hành chính tỉnh, khu vực ngã ba Cần Thơ. Phối hợp với lực lượng quân sự, cán bộ thị xã huy động hàng ngàn quần chúng tổ chức đấu tranh chính trị, phát động nhân dân nổi dậy, làm chướng ngại vật cùng bộ đội đánh địch phản kích.

Ở hướng Tây, Tiểu đoàn 857 tỉnh Vĩnh Long tấn công sân bay, phá hủy 64 máy bay, làm chủ sân bay và Quốc lộ 4. Bộ đội địa phương huyện Châu Thành kết hợp binh vận đánh chiếm, làm chủ phà Mỹ Thuận nhiều ngày. Tiểu đoàn 2 tỉnh Vĩnh Long tiến công làm chủ Chi khu Quận Mới. Ngày 4-2, địch dùng máy bay lên thẳng phun lửa, hủy diệt các khu phố trong nội ô và gom tàn quân, có xe M113 yểm trợ, tiếp tục phản kích. Tiểu đoàn 306 quyết tâm giữ vững trận địa, cùng nhân dân và lực lượng thị xã dập lửa, bảo vệ tài sản đồng bào, băng bó, cứu chữa nhân dân bị thương. Ngày 5-2, ta chiếm phần lớn thị xã, địch chỉ còn lại Dinh Tỉnh trưởng. Tên Huỳnh Ngọc Diệp, Tỉnh trưởng, hoảng sợ trốn chạy ra sông Tiền, liên lạc với Vùng 4 Chiến thuật xin cứu viện.

Trên chiến trường Quân khu 8, tại TP. Mỹ Tho, cũng đêm 31-1, ta bắn cối vào các mục tiêu làm pháo lệnh tiến công. Tiểu đoàn 261A, 261B (Chiến đoàn 1) chia thành 3 mũi đánh vào trung tâm thành phố, chiếm khu vực bến xe, đường Parteur, lộ Vòng Nhỏ và khu vực dọc hồ nước ngọt. Thành ủy và Thành đội Mỹ Tho, sử dụng 4 đội biệt động và các cơ sở mật phối hợp đánh các mục tiêu trong nội ô và huy động 200 học sinh, 2.000 quần chúng nổi dậy đấu tranh. Ðội biệt động thủy của thành phố, đánh chiếm khám đường, thả tù chính trị. Chiến đoàn 2 đánh thiệt hại nặng Chi khu Thuận Trị (Trung Lương), giải phóng khu vực từ Trung Lương đến ngã ba Ðông Hòa.

Kết hợp với tiến công quân sự, mũi tiến công chính trị của quần chúng cũng diễn ra mạnh mẽ. Sáng mồng 2 Tết, hơn 500 đồng bào từ ngoài kéo vào cùng lực lượng quần chúng tại chỗ bao vây bức hàng đồn Mỹ An (Mỹ Phong). Tiếp đó, kéo đến bao vây hậu cứ Tiểu đoàn 72 pháo binh, phát loa kêu gọi ngụy quân bỏ súng trở về với nhân dân. Nhân dân nội ô thành phố, tuy bị địch kìm kẹp, ít tiếp xúc với cách mạng, nhưng khi bộ đội tiến công vào thành phố, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội đánh giặc. Phần lớn bà con phải sơ tán, nhưng trong nhà vẫn chuẩn bị đầy đủ lương thực tiếp tế cho bộ đội. Các gia đình cơ sở, đã mật báo, giúp ta bắt được 37 tên, phần lớn là sĩ quan Sư đoàn 7, thu nhiều tài liệu quan trọng của địch.

Ðồng thời với tiếng súng tiến công ở các trọng điểm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, quân và dân các thị xã, thị trấn và vùng nông thôn trên khắp chiến trường đồng bằng sông Cửu Long cũng đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đánh vào cơ quan đầu não chính quyền ngụy ở địa phương, làm tê liệt hệ thống chính quyền địch từ nông thôn đến thành thị, phân tán lực lượng cơ động của chúng, tạo điều kiện cho toàn chiến trường giành thắng lợi.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn miền Nam và cả nước, mở ra một thời kỳ mới, một cục diện mới, tạo bước ngoặt mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.