Bài 2: Bảo đảm an toàn hàng hải
Hiện nay, các trạm hải đăng do Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam vận hành và quản lý trải dài từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Kiên Giang.
![]() |
Trạm trưởng hải đăng Song Tử Tây, ông Vũ Công Thập, 51 tuổi lau chùi đèn. |
Khu vực Nam Trung bộ có 18 trạm hải đăng, phạm vi hoạt động từ trạm đèn Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi) đến hết địa bàn tỉnh Bình Thuận. Các trạm đèn nằm ở ven bờ, bán đảo và khu vực Biển Đông. Trong các trạm này, 3 trạm là Cù Lao Xanh, Hòn Lớn và Mũi Dinh được thiết lập từ thời Pháp thuộc sau đó được Tổng Công ty sửa chữa và nâng cấp. Tùy theo đặc thù, mỗi trạm có 4 đến 7 công nhân với diện tích của các trạm thường vào khoảng vài trăm mét vuông như Phan Rí hoặc rộng vài ngàn mét vuông như Hòn Lớn hay Cù Lao Xanh. Công nhân trên trạm Hòn Hải gặp khó khăn nhất vì địa hình nơi đây hiểm trở, xa đất liền và đặc biệt là những lúc thời tiết xấu, tàu tiếp tế không thể neo đậu để chuyển hàng cho trạm. Vất vả và khó khăn như vậy nên công nhân trạm Hòn Hải được hưởng chế độ ưu đãi như ở khu vực Trường Sa. “Ngoài công việc được giao, anh em còn rất tích cực trồng cây, xây hồ cá… tạo môi trường, cảnh quan “Xanh – Sạch – Đẹp”. Bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực và góp phần phát triển kinh tế biển là hai nhiệm vụ chính của các trạm hải đăng ở khu vực này”, ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Nam Trung bộ, nhận xét.
Bắt đầu từ trạm Kê Gà (Bình Thuận) đến hết địa phận tỉnh Tiền Giang, là 7 trạm hải đăng khu vực Đông Nam bộ, gồm: Cửa Tiểu, Vũng Tàu, Aval, Ba Kiềm, Kê Gà, Bảy Cạnh và Đá Trắng, nằm rải rác ven biển và trên các đảo. Mỗi trạm hải đăng ở khu vực này có khoảng 10 công nhân và cứ 1 năm lại luân chuyển sang trạm khác. Hiện nay, Kê Gà được đánh giá là một trong những trạm hải đăng đẹp nhất trong khu vực. Với chiều cao 211 mét so với mực nước biển, công nhân trạm Bãi Cạnh phải làm việc trong điều kiện khó khăn, gian khổ hơn so với các trạm khác. “Cũng giống như khu vực Nam Trung bộ, trạm hải đăng ở Đông Nam bộ phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải để phát triển nền kinh tế biển”, ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Nam bộ cho biết.
![]() |
Trạm trưởng đảo Trường Sa Lớn, ông Vũ Sỹ Lưu, 43 tuổi lau chùi thiết bị phát tín hiệu cho tàu thuyền đi lại trên biển. |
Khu vực Tây Nam bộ có 15 trạm hải đăng, trải dài từ phía tây tỉnh Tiền Giang đến hết tỉnh Kiên Giang. Trong đó, 8 trạm (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Thổ Chu, Hòn Khô, An Thới, Dương Đông, Hòn Dăm) nằm trên các đảo chìm và đảo nổi ở khu vực phía Tây Nam tổ quốc, 7 trạm còn lại (Ba Động, Hồ Tàu, Rạch Giá, Hòn Chông, Núi Nai, Ông Đốc, Bồ Đề) tọa lạc tại các cửa luồng và bán đảo. Mỗi trạm có 6 đến 7 công nhân, làm việc 2 năm thì luân chuyển sang trạm luồng và 3 năm trở lại về trạm hải đăng khác. Vất vả và khó khăn nhất là công nhân tại trạm Bồ Đề, Thổ Chu, Hòn Khô và Hòn Chuối.
Ông Nguyễn Duy Hiết, Giám đốc Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo cho biết, hiện nay, công ty đang vận hành, quản lý 13 trạm hải đăng, trong đó 9 trạm (Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Tiên Nữ, An Bang) nằm trên đảo chìm và đảo nổi ở khu vực Trường Sa, 4 trạm còn lại (Ba Kè, Huyền Trân, Phúc Tần, Quế Đường) ở khu vực nhà giàn DK1. Trạm đầu tiên ở Trường Sa được thiết lập năm 1993 là Song Tử Tây và gần đây nhất là trạm Nam Yết vào năm 2013. Từng tham gia xây dựng trạm hải đăng An Bang năm 1995, anh Nguyễn Đức Huy, thuộc phòng Kế hoạch – Vật tư của Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, nhớ lại: “Để xây dựng trạm hải đăng An Bang, anh em chúng tôi đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Ròng rã hơn 3 tháng trời, hơn 50 người phải làm việc cật lực, tập trung cao độ từ khâu đóng gói vật liệu xây dựng (cát, đá, xi măng, gạch… vào bao ni lông), che chắn các thiết bị máy móc, vật tư cho tới lúc vận chuyển lên tàu, từ tàu xuống đảo (biển lặng có thể đưa được khoảng 25 đến 30 tấn vật liệu/ngày, còn lúc sóng to thì chỉ khoảng 10 đến 15 tấn vật liệu/ngày). Mặc dù gặp khó khăn như vậy, nhưng mọi người đều thể hiện quyết tâm cao và đã hoàn thành đúng tiến độ công trình đặt ra”.
“Khi các trạm đèn ở Trường Sa được xây dựng xong, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam sẽ thông báo lên Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế về các thông số kỹ thuật như: Độ cao so với mặt nước biển, chu kỳ chớp, tầm hiệu lực ánh sáng, hình dạng và màu sắc của cây đèn… nhằm hướng dẫn tàu, thuyền hoạt động hàng hải an toàn. Các trạm này khi được xây dựng xong sẽ thể hiện quốc gia thiết lập, đồng nghĩa với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Trước những ích lợi mà các trạm hải đăng mang lại, chúng tôi đang đề nghị lên Bộ Giao thông - Vận tải trong thời gian tới tiếp tục xây dựng thêm các trạm hải đăng ở khu vực này”, ông Phạm Đình Vận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam, khẳng định.
Bài, ảnh: Nam Phương
Bài 3: Phút thư giãn của người gác đèn