.
GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân

Cập nhật: 08:31, 14/05/2013 (GMT+7)

Trong đợt góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua, 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đồng tình với các nội dung của Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc), nhất là quy định tại điều 70: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

5920.zip
Lực lượng vũ trang tỉnh luyện tập, sẵn sàng chiến đấu.

Đại tá Trương Văn Tài, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, những quy định tại Điều 70 đã thể hiện rõ và đầy đủ trách nhiệm chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Bởi thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; bảo vệ Đảng phải gắn chặt với bảo vệ chế độ và bảo vệ Tổ quốc. Đó vừa là chức năng, vừa là trách nhiệm chính trị cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là nguyên tắc bất di, bất dịch; đồng thời là nhân tố tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Sơn, Thành ủy viên, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP.Vũng Tàu, lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong gần 70 năm qua đã chứng minh, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đã luôn chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Là người đã từng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tá Đoàn Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, khẳng định: Quân đội là do Đảng và Bác Hồ sinh ra để bảo đảm thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà đường lối này xuất phát từ nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, mọi hoạt động của Quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tất cả những điều đó đều để phục vụ cho lợi ích chung là vì nhân dân, vì đất nước. Ngoài mục đích đó, quân đội ta không có mục đích nào khác.

Gần đây, trong quá trình tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có một số ý kiến khác nhau về quy định ở Điều 70 về nội dung: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”. Thậm chí có ý kiến đòi “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam, đòi quân đội đứng ngoài chính trị, trung lập về chính trị.

Có thể nhận thấy, những người đưa ra quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội đã thể hiện ý đồ xấu, cố tình không hiểu bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội. Chúng ta cần hết sức cảnh giác và kiên quyết bác bỏ loại ý kiến này.

Bài, ảnh: BÙI CẢNH

.
.
.