.
Sáng kiến độc đáo trong lĩnh vực thoát nước đô thị

"ROBOT" NẠO VÉT CỐNG NGẦM

Cập nhật: 16:04, 16/04/2004 (GMT+7)
CÁI KHÓ… LÓ CÁI KHÔN

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hệ thống cống ngầm dài hơn 200 km, trong đó TP.Vũng Tàu chiếm hơn một nửa, nhưng chất lượng không đồng bộ nên việc khơi thông gặp rất nhiều khó khăn. Công nhân thường phải chui vào lòng cống để nạo vét, song cũng chỉ thực hiện được một đoạn dài chừng 5 m cách miệng hố ga, phần còn lại "chịu thua" vì ngột ngạt và chật chội. Đã vậy, một số tuyến cống được xây dựng từ hàng chục năm trước, đã xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào, đe dọa cho tính mạng công nhân khi chui vào bên trong nạo vét.

Thiết bị nạo vét cống ngầm đang hoạt động trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu

Những người nạo vét cống còn phải đối mặt với vô số rủi ro tiềm ẩn dưới lòng cống như: Ô nhiễm, khí độc, rắn rết, mảnh thủy tinh và ống chích, chính vì vậy, nhiều vị trí cống ngầm không nạo vét được, con người đành bất lực để lượng bùn đất rất lớn tồn đọng trong lòng cống từ năm này qua năm khác. Anh Trần Văn Minh, Đội trưởng Đội thoát nước đô thị, thừa nhận việc thông cống rãnh trên địa bàn TP. Vũng Tàu thời gian qua chỉ mang tính đối phó nhất thời, tắc đâu thông đó…

Kết quả khảo sát cho thấy, để hạn chế tối đa các điểm ngập nước trong mùa mưa, mỗi năm TP. Vũng Tàu phải xử lý một khối lượng bùn đất khổng lồ nằm trong hệ thống cống ngầm lên tới 33.000m3. Tuy nhiên, với cách làm thủ công như lâu nay, nỗ lực cách mấy cũng khó có thể hoàn thành. Đứng trước bài toán nan giải này, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đứng đầu là kỹ sư Hoàng Đức Thảo, đã mày mò nghiên cứu và chế tạo thành công một loại thiết bị nạo vét cống ngầm. Sau một thời gian chạy thử, đến thời điểm này thiết bị đã được đưa vào hoạt động chính thức gần hai tháng, "hiệu quả không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt tiện ích mà còn có giá trị kinh tế rất lớn" - kỹ sư Thảo khẳng định.

SẢN PHẨM CỦA TẬP THỂ

Cụm thiết bị này gồm hai hệ thống tời đặt ở hai hố ga cách nhau khoảng 50m, để điều chỉnh một quả cầu nạo vét di chuyển dọc theo trục giữa tời thông qua sợi cáp không rỉ. Về nguyên lý làm việc, khi cụm tời số 1 kéo thì cụm tời số 2 nhả cáp và ngược lại, quả cầu chế tạo bằng thép hở xung quanh chạy dọc lòng cống kéo bùn và rác ra khỏi cống thu về hố ga. Với những vị trí có lớp bùn dày đặc do tồn đọng lâu năm, quả cầu nạo sẽ được thay thế bằng quả cầu phá để đánh tơi lớp bùn, sau đó sử dụng lại quả cầu nạo để thu gom bùn rác về hố ga ở hai đầu đoạn cống ngầm. Tốc độ nạo vét nhanh hay chậm do người vận hành điều khiển và phụ thuộc vào lượng bùn đất trong lòng cống.

Chi phí để chế tạo ra cụm thiết bị độc đáo này khoảng hơn10 triệu đồng, rẻ hơn hàng trăm lần so với thiết bị nhập ngoại mà hiệu quả không thua kém. Hơn nữa, thiết bị nạo vét cống được sản xuất từ các nước tiên tiến không phù hợp với thực trạng hệ thống cống ngầm không đồng bộ tại Việt Nam, trong khi cụm thiết bị của Busadco chế tạo có khả năng thích nghi với mọi địa hình phức tạp. Song, ưu điểm nổi trội hơn cả là dễ thao tác, có thể vận hành ngay cả trong điều kiện lòng cống bị ngập nước hoàn toàn.

Từ những khó khăn trong việc khai thông cống rãnh bằng phương pháp thủ công, Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) đã nghiên cứu, chế tạo thành công cụm thiết bị nạo vét cống nhằm giảm bớt những rủi ro cho người lao động. Sau gần hai tháng đưa vào sử dụng, cụm thiết bị này đã mang lại hiệu quả hơn cả sự mong đợi của đội ngũ thiết kế, không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt tiện ích mà còn có giá trị kinh tế cao

Thành công này - nói như "tổng công trình sư" Hoàng Đức Thảo - là của tập thể Busadco vì nó được phối hợp giữa kiến thức của đội ngũ kỹ sư và kinh nghiệm thực tế của công nhân nạo vét cống. Tuy nhiên, kỹ sư Thảo chưa thực sự hài lòng với kết quả hiện nay của sản phẩm mà sẽ còn tiếp tục cải tiến, "mục đích làm sao đưa bùn từ hố ga lên thẳng xe để công nhân bớt phải tiếp xúc với ô nhiễm như hiện nay"

.
.
.