Người ứng cử có phải nộp giấy khám sức khỏe để chứng minh mình đáp ứng tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hay không?
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì trong hồ sơ ứng cử không bao gồm giấy khám sức khỏe. Trong hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia ở các mẫu Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt của người ứng cử (các mẫu số 02, 03/HĐBC-QH và 07, 08/HĐBC-HĐND) đều có các mục kê khai thể hiện cụ thể các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND (trong đó có mục “Tình trạng sức khỏe”) để người ứng cử tự kê khai và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung mình đã kê khai trong hồ sơ ứng cử. Do đó, khi nộp hồ sơ ứng cử, người ứng cử (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) không phải nộp kèm theo giấy khám sức khỏe.
Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức trung ương có nêu yêu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe là để áp dụng riêng đối với các trường hợp được giới thiệu ứng cử để làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Theo đó, người được giới thiệu ứng cử phải được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 6 tháng tính đến tháng 5/2021, cụ thể là đối với cán bộ ở các cơ quan trung ương do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe; đối với cán bộ ở địa phương do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe. Kết quả khám sức khỏe này sẽ làm căn cứ cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng trong quá trình xem xét, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để hoạt động chuyên trách tại Quốc hội, HĐND trong nhiệm kỳ 2021-2026. Khi đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị thống nhất giới thiệu ra ứng cử thì người được giới thiệu ứng cử thực hiện việc lập và nộp hồ sơ với các thành phần tài liệu theo đúng quy định tại Điều 35 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Thời hạn và việc nộp hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?
Chậm nhất là ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND (bao gồm cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử.
Việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như sau:
- Người được tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 02 bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia (qua Tổ giúp việc Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia, địa chỉ: Nhà Quốc hội, số 1 đường Độc Lập, quận Ba Đình, TP.Hà Nội).
- Người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.
- Người ứng cử được cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND và người tự ứng cử đại biểu HĐND nộp 1 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử.
Ủy ban bầu cử các cấp có trách nhiệm thông báo công khai về địa điểm và thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Trường hợp người ứng cử không tự mình đến nộp hồ sơ ứng cử được thì có thể ủy quyền cho người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị của người ứng cử đến nộp hồ sơ cho mình; người đại diện phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22/2/2021 và kết thúc vào 17 giờ 00 ngày 14/3/2021. Riêng thứ Bảy, ngày 13/3/2021 và Chủ nhật, ngày 14/3/2021, Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử.
Người được phân công tiếp nhận hồ sơ ứng cử có trách nhiệm nhận, kiểm tra kỹ hồ sơ; nếu các tài liệu trong hồ sơ đã đầy đủ, ghi đủ thông tin theo đúng yêu cầu trong mẫu và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia thì điền thông tin vào Sổ tiếp nhận và Giấy biên nhận; ký và giao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ ứng cử.
(Còn nữa)