Người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?

Thứ Hai, 19/04/2021, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.

Người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?

Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:

- Người chưa đủ 21 tuổi.

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Người đang bị khởi tố bị can.

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Thế nào là “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”?

Luật số 47/2019/QH14 và Luật số 65/2020/QH14 đã bổ sung vào quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nội dung: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Theo đó, căn cứ vào Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam được xác định theo các căn cứ quy định tại Chương II của Luật này. Người có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam phải là người không đồng thời có quốc tịch của một quốc gia khác. Về nguyên tắc, người đang có quốc tịch nước ngoài, người có nguyện vọng và đang thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch của quốc gia khác đều không đủ điều kiện để ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Thực tế, đây không phải là quy định hoàn toàn mới mà là nội dung đã được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp cũng như trong các quy định và thực tiễn công tác bầu cử từ trước đến nay. Việc quy định rõ thành một tiêu chuẩn cụ thể trong các luật nói trên là nhằm khẳng định rõ hơn quan điểm của Đảng, Nhà nước và tạo sự minh bạch, rõ ràng trong áp dụng pháp luật.

Do đó, trong phần khai về quốc tịch trong đơn ứng cử và các tài liệu khác trong hồ sơ ứng cử, Hội đồng bầu cử quốc gia đã hướng dẫn người ứng cử cần ghi rõ: “Chỉ có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”. Người ứng cử phải cam đoan về các nội dung mình đã khai. Nếu phát hiện thông tin không đúng sự thật, không như nội dung đã kê khai thì người ứng cử phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và tùy theo nội dung, mức độ vi phạm mà có thể bị loại khỏi danh sách người ứng cử; nếu đã trúng cử thì sẽ không được công nhận tư cách đại biểu hoặc bị bãi nhiệm đại biểu.

Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở nhiều cấp khác nhau được không?

Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở 02 cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu đã nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp thêm hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở 01 cấp nữa.

Trường hợp người ứng cử vi phạm quy định nói trên (ví dụ như nộp đơn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cả ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thì sẽ bị coi là có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử và bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở tất cả các cấp mà người đó đã nộp hồ sơ ứng cử; nếu sau khi có kết quả bầu cử mới bị phát hiện thì không được công nhận tư cách đại biểu ở tất cả các cấp mà người đó đã trúng cử.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể là thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử được không?

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử hay khu vực bỏ phiếu nơi mình có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử; nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị mình ứng cử thì người ứng cử phải rút ra khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó kể từ ngày được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những gì?

Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:

- Đơn ứng cử.

- Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú.

- Tiểu sử tóm tắt.

- Mỗi bộ hồ sơ ứng cử của người ứng cử gửi kèm theo 03 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4cm x 6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt). Ảnh chân dung của người ứng cử là ảnh được chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ứng cử. Trong Sơ yếu lý lịch, Tiểu sử tóm tắt, ảnh của người ứng cử phải được dán đúng vị trí quy định và được đóng dấu giáp lai của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú.

- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBC của Hội đồng bầu cử quốc gia. Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.

(Còn nữa)

;
.