Bến neo đậu ghe bị thu hồi, người dân gặp khó
Hộ dân thôn 1 (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về việc thu hồi đất bến ghe thuyền ở thôn này để làm đường khiến phương tiện của họ không còn chỗ neo đậu, gây khó khăn cho cuộc sống.
Bến ghe Hầu nơi gắn bó với các hộ dân ở thôn 1, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) nhiều năm nay sẽ được thu hồi để phục vụ làm đường Nguyễn Phong Sắc. |
Từ lâu nay, nhiều người dân sinh sống ở xã Long Sơn đều trang bị và sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đi lại, vận chuyển, đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Bến ghe thuyền (hay còn gọi là bến ghe Hầu, bến hồ Mang Cá) có từ rất lâu, phục vụ cho hoạt động lưu thông đi lại, sản xuất, nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân trong vùng.
Tuy nhiên, theo ông Cái Văn Tài (thôn 1) và các hộ dân ở đây, từ cuối năm 2023, khi Nhà nước thi công dự án đoạn đường Nguyễn Phong Sắc (nối từ khu tái định cư Long Sơn đến đường vào khu công nghiệp dầu khí Long Sơn), bến ghe Hầu đã bị thu hồi. Do đó, lối đi ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân địa phương phải dời xa so với bến đậu truyền thống. Đồng thời, bến này cũng đang phải mượn tạm đất của một hộ dân khác nên không ổn định.
"Nghề làm muối, nuôi trồng hải sản… là nghề mưu sinh chính của người dân xã Long Sơn bao lâu nay. Giờ đây, chúng tôi không biết sẽ sinh sống ra sao khi ghe tàu không có chỗ neo đậu?”, ông Huỳnh Văn Vui (thôn 1) lo lắng nói.
Từ thực tế trên, người dân thôn 1 mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xem xét, có chính sách hỗ trợ di dời bến bãi, hỗ trợ một phần kinh phí để người dân chuyển đổi nghề nghiệp cũng như bố trí vị trí neo đậu ghe thuyền thuận lợi, hoặc xây dựng bến mới nhằm tạo điều kiện cho họ mưu sinh, ổn định cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Ngô Văn Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, dự án đường Nguyễn Phong Sắc thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Long Sơn (xã Long Sơn) do Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Diện tích đất thu hồi để thực hiện công trình gần 25.000m2, với 19 trường hợp có đất bị thu hồi.
Bến ghe mới được bố trí ở khu vực giáp đường Nguyễn Phong Sắc (xã Long Sơn), nhưng lối vào phải đi qua đất của hộ dân khác. |
Theo ông Quả, thôn 1 hiện có 34 hộ đang sinh sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng hải sản và sử dụng bến ghe Hầu để neo đậu phương tiện. Tuy nhiên, đây là bến tự phát trên đất kênh, rạch do Nhà nước quản lý và người dân có ghe neo đậu tại bến cũng không phải là chủ sử dụng đất có đất thu hồi để làm đường. Do đó, nội dung kiến nghị của người dân về việc hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để chuyển đổi nghề nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.
Về phần sắp xếp bến đậu mới cho các hộ dân, ông Quả cho biết, cuối năm 2023, UBND xã đã phối hợp chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công đường Nguyễn Phong Sắc khảo sát và nhận thấy các hộ dân không thể tiếp tục neo đậu phương tiện tại bến ghe Hầu nên khuyến khích người dân tự tìm vị trí neo đậu khác.
"Trường hợp người dân không tìm được vị trí neo đậu phương tiện, UBND xã sẽ bố trí nơi neo đậu tại khu vực giáp đường Nguyễn Phong Sắc. Như vậy, sau khi đơn vị thi công thực hiện cải tạo đường thì các hộ dân có thể neo đậu ghe, tàu tại khu vực trên và đi tạm trên bờ đùng của ông Nguyễn Anh Đệ để ra vào. Hiện nay, khu vực thôn 1 cũng không còn quỹ đất trống để bố trí bến đậu cho người dân”, ông Quả thông tin thêm.
Ngoài ra, trước nguyện vọng chính đáng của người dân, ông Quả cho biết, xã sẽ phối hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân một phần chi phí chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tự xây dựng bến đậu mới.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG