.

Có buộc phải đến làm việc khi công an gửi giấy mời?

Cập nhật: 18:18, 02/04/2024 (GMT+7)

Phản ánh đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, anh T.V.T. (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ thắc mắc, dù anh không vi phạm pháp luật nhưng cơ quan công an liên tục gửi giấy mời lên làm việc. Vậy anh có bắt buộc phải tới theo giấy mời?

Công dân không vi phạm nếu không đến làm việc theo giấy mời của công an. (Ảnh minh họa)
Công dân không vi phạm nếu không đến làm việc theo giấy mời của công an. (Ảnh minh họa)

Theo anh T., mới đây anh nhận được giấy mời của Công an huyện X. với nội dung lên làm việc liên quan đến mạng xã hội. Anh thấy mình không vi phạm pháp luật và công việc quá bận nên không tới cơ quan công an làm việc theo giấy mời. Lực lượng công an tiếp tục gửi anh giấy mời lần 2 tới làm việc. “Tôi cảm thấy rất phiền hà khi lực lượng công an liên tục gửi giấy mời. Tôi có bắt buộc phải tới làm việc với công an không?”, anh T. thắc mắc.

Trả lời thắc mắc của anh T., luật sư Đỗ Văn Hoãn, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, giấy mời và giấy triệu tập là hai loại giấy có bản chất khác nhau.

Cụ thể, giấy triệu tập là loại văn bản áp dụng cho những người có liên quan đến những vụ án đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan điều tra, Viện KSND hoặc TAND.

Giấy triệu tập được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng, gồm: bị can; bị cáo; người bị hại (người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra); nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng.

Các đối tượng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp không có mặt theo giấy triệu tập có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như áp giải, dẫn giải hay quyết định truy nã.

Ngoài ra, Thông tư 01/2006TT-BCA (C11) ngày 12/1/2006 nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như: lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về những vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày... làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định, giấy mời phải có chữ ký, con dấu của thủ trưởng cơ quan công an. Trên giấy ghi rõ đơn vị nào mời; họ tên, chỗ ở hoặc nơi công tác của người được mời; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai, để làm việc về nội dung gì. Ngoài ra, giấy mời cũng yêu cầu người được mời có mặt theo đúng thời gian và địa điểm nói trên.

Nghiêm cấm điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời.

Trong khi đó, giấy mời không được quy định trong các thủ tục tố tụng. Nhưng là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan điều tra, tòa án… mời những người có liên quan hoặc biết về vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ nội dung có liên quan đến vụ việc.

“Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành. Người được mời có quyền lựa chọn đến và không đến. Không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Hoãn khẳng định.

Theo luật sư Hoãn, khi cơ quan công an gửi giấy mời, người dân có điều kiện và sắp xếp được thời gian thì nên hợp tác tới làm việc. Tuy nhiên, cần phải đi cùng người thân hoặc mời luật sư đi cùng để tránh trường hợp ảnh hưởng tới quyền lợi ích hợp pháp của mình.

“Trường hợp người dân bị mời nhiều lần gây ảnh hưởng tới quyền lợi thì có quyền làm đơn khiếu nại tới thủ trưởng công an nơi gửi giấy mời”, luật sư Hoãn nói.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.