THU HỒI MẶT BẰNG KINH DOANH CỦA 9 DN DU LỊCH Ở BÃI SAU

Chuyện phải đến đã đến, việc cần làm phải làm

Thứ Năm, 02/06/2022, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

UBND TP.Vũng Tàu đã gửi thông báo cho 9 DN sử dụng 28ha ở bãi biển Bãi Sau, đề nghị bàn giao mặt bằng. Việc thu hồi mặt bằng kinh doanh của các DN này là chuyện đương nhiên phải làm. Tuy nhiên, sự việc cũng để lại một khoảng trống khó khỏa lấp trong ngắn hạn về nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cứu hộ... Đây là bài toán TP.Vũng Tàu phải giải quyết để bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch của TP.Vũng Tàu không bị xáo trộn.  

Biển Vũng Tàu có nhiều ao xoáy nguy hiểm nên nhân viên cứu hộ phải cắm cờ đen cảnh báo cho du khách.
Biển Vũng Tàu có nhiều ao xoáy nguy hiểm nên nhân viên cứu hộ phải cắm cờ đen cảnh báo cho du khách.

Chuyện phải đến đã đến

Theo Kết luận thanh tra, năm 1996, UBND tỉnh giao Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu (lúc đó là DN 100% vốn nhà nước, sau này chuyển thành công ty cổ phần) làm chủ đầu tư xây dựng bãi tắm Thùy Vân (TP. Vũng Tàu). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến đường Thùy Vân là 3km, với diện tích hơn 28ha đất.

Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu được tỉnh cho thuê đất khu vực Thùy Vân. Công ty sẽ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước và Nhà nước (chủ sở hữu tiền thuê đất) sẽ ghi thu, ghi chi (giao lại cho công ty số tiền này dưới hình thức giao vốn cho DN Nhà nước) để kết hợp với số vốn do công ty nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng của bãi tắm Thùy Vân.

Tuy nhiên, chủ trương này không được thực hiện. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại bãi tắm Thùy Vân trên thực tế sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh giao cho Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư. Tổng giá trị quyết toán trên 122 tỷ đồng (phần lớn các hạng mục công trình đã hoàn thành và quyết toán trước năm 2002).

Sau khi được cấp ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng bãi tắm Thùy Vân, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho 9 DN nói trên thuê lại mặt bằng để kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, các DN này không nộp tiền thuê đất và đến nay nợ số tiền thuê đất lên đến hơn 326 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, ngày 13/8/2021, UBND tỉnh quyết định thu hồi hơn 28ha của các DN đang sử dụng ở bãi tắm Thùy Vân, giao cho UBND TP. Vũng Tàu quản lý, lập phương án sử dụng diện tích đất nói trên.

UBND TP.Vũng Tàu đã gửi thông báo cho 9 DN sử dụng 28ha ở bãi biển Bãi Sau, đề nghị bàn giao mặt bằng. UBND TP.Vũng Tàu cũng yêu cầu DN thực hiện đầy đủ nội dung liên quan đến số tiền còn nợ ngân sách đến thời điểm hiện nay theo kết luận của Thanh tra tỉnh và thông báo của Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo. Trường hợp các DN không tự giác bàn giao thì UBND TP sẽ lập kế hoạch và thực hiện cưỡng chế.

Phương án tạm thời để bảo đảm an toàn cho du khách
Trung tâm quản lý hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu đã có tờ trình gửi UBND TP. Vũng Tàu đề nghị phê duyệt phương án thực hiện nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ khách du lịch tại khu vực thu hồi đất của các DN tại Trục Thuỳ Vân (bãi sau). Theo tờ trình này, mỗi 50m bờ biển cần một nhân viên cứu hộ túc trực, dự kiến nhân lực phục vụ đảm bảo an toàn cho khách tắm biển trên khu vực đất thu hồi của các DN là 40 NVCH và 4 y sĩ… Trong thời gian UBND TP. Vũng Tàu thực hiện thu hồi các dự án du lịch, Trung tâm tạm thời điều động 6 nhân viên cứu hộ và 1 y sỹ ứng trực tại khu vực này để đảm bảo an toàn cho du khách. UBND TP. Vũng Tàu đã đồng ý phương án này, đồng thời giao Trung tâm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ khách du lịch tại khu vực.

 

Việc cần làm trước mắt

Biển Vũng Tàu nhiều ao xoáy và những ao xoáy thay đổi, di chuyển liên tục theo dòng chảy. Thời gian qua, không ít du khách đã bị lọt vào ao xoáy. Nhiều trường hợp trong số đó đã được nhân viên cứu hộ bờ biển ứng cứu kịp thời. Một thực tế phải thừa nhận là từ nhiều năm nay, sự an toàn của du khách đến tắm biển ở khu vực biển Bãi Sau chịu sự chi phối ít nhiều từ nguồn nhân lực cứu hộ mà 9 DN nói trên có được. Cụ thể, khi còn hoạt động, 9 DN này có 41 nhân viên cứu hộ, 8 nhân viên y tế, 86 bảo vệ và 73 nhân viên vệ sinh môi trường đảm bảo an toàn cho du khách và vệ sinh khu vực biển.

Sau khi 9 DN bị buộc trả lại mặt bằng kinh doanh, bài toán về bảo đảm an toàn cho du khách nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhân lực của Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP.Vũng Tàu. Với chiều dài trên 2.000m bờ biển, dự kiến nhân lực phục vụ bảo đảm an toàn cho khách tắm biển trên khu vực đất thu hồi của các DN là 40 nhân viên cứu hộ và 4 y sĩ. Ngoài ra, cần nhiều phương tiện và dụng cụ phục vụ hoạt động cứu hộ như: mô tô trượt nước, bảng nội quy, bảng cảnh báo ao xoáy, loa phóng thanh, phao…

Ngặt nỗi, theo ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu, hiện Trung tâm chỉ có 25 nhân viên cứu hộ, trong đó ứng trực tại 2 đài là 18 người, còn 7 người đi tuần tra toàn khu vực và ứng trực tại KDL Biển Đông và KDL Vũng Tàu Intourco. “Chúng tôi đang lên phương án tuyển khoảng 40 nhân viên cứu hộ mới đủ bảo đảm an toàn trên toàn bãi biển”, ông Tộ cho biết. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Tộ, việc tuyển dụng nhân viên cứu hộ hiện nay khó khăn vì công việc vất vả nhưng mức lương chưa tương xứng. “Công việc cứu hộ có đặc thù làm 16 tiếng/ngày. Từ 5 giờ sáng, nhân viên cứu hộ đã phải đi khảo sát ao xoáy, cắm cờ. Đến 6 giờ vào trực chính thức, đón khách, thổi còi hướng dẫn và bảo đảm an toàn cho khách tắm biển. Đến 19 giờ mới hết ca, nhưng đêm vẫn phải đi tuần tra để kiểm soát người tắm biển, buôn bán hàng rong, xả thải… Lương khởi điểm của nhân viên cứu hộ chỉ hơn 4,2 triệu đồng, cộng với 7% độc hại nguy hiểm của nghề là 300 ngàn đồng thì chỉ được hơn 4,5 triệu đồng. Trong khi lực lượng cứu hộ mà 9 DN nói trên trả lương từ 9-10 triệu đồng. Công việc và thu nhập thực sự đang là vấn đề nan giải trong việc tuyển dụng nhân sự”, ông Tộ nói.

Bài, ảnh: THIÊN KIM-TIỂU THIÊN

 
;
.