Tuyển sinh quân sự năm 2007 có gì mới?
![]() |
Đồng chí có thể cho biết quyền lợi và nghĩa vụ của học viên sau khi thi đậu vào các trường đại học trong quân đội?
- Khi trúng tuyển vào các trường đại học trong quân đội, các học viên sẽ được quân đội bảo đảm các chế độ về ăn, ở, mặc, giấy bút, sách vở… phụ cấp hàng tháng, không phải đóng học phí. Ngoài học tập, các học viên còn được rèn luyện toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, nếp sống sinh hoạt chính quy theo điều lệnh quân đội. Sau khi tốt nghiệp, học viên được Bộ Quốc phòng phong hàm sĩ quan cấp thiếu úy hoặc trung úy (đối với người có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập). Mọi học viên sĩ quan đều phải nghiêm chỉnh chấp hành việc phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Những học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi được ưu tiên xem xét nguyện vọng khi phân công công tác.
Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh vào các trường đại học trong quân đội như thế nào?
- Đối tượng tuyển sinh là quân nhân tại ngũ (số lượng đăng ký dự thi theo chỉ tiêu đã phân bổ cho các đơn vị); nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ), số lượng đăng ký dự thi không hạn chế; nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân (tuyển sinh vào một số trường với tỷ lệ nhất định). Thí sinh trúng tuyển được đào tạo sỹ quan cấp phân đội bậc đại học phải có lịch sử chính trị gia đình và bản thân rõ ràng, đủ điều kiện trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam theo điều lệ của Đảng; là đoàn viên thanh niên, có phẩm chất đạo đức tốt. Về văn hoá, các thí sinh dự thi phải tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT, không hạn chế về ngưỡng học lực. Về sức khoẻ, chỉ tuyển chọn người có sức khoẻ loại 1 (riêng thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại khu vực 1; hải đảo; là người dân tộc ít người được lấy sức khoẻ loại 2 về thể lực. Thí sinh thuộc các tỉnh phía Nam, từ Quảng Trị trở vào được lấy đến sức khoẻ loại 2 về thể lực và răng). Về độ tuổi, chỉ tuyển thanh niên ngoài quân đội từ 17 đến 21 tuổi; quân nhân tại ngũ và xuất ngũ từ 18-23 tuổi (tính đến năm dự thi).
Tất cả thí sinh dự thi vào các trường đại học trong quân đội đều được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh như quy định chung của Nhà nước, bao gồm ưu tiên theo đối tượng và theo khu vực. Ngoài ra, các thí sinh còn được hưởng thêm một số ưu tiên khác theo quy định của quân đội, tuỳ từng đối tượng. Muốn biết thêm các quy định cụ thể về chính sách ưu tiên trong TSQS, thí sinh cần tới Ban TSQS đơn vị (đối với quân nhân); Ban TSQS huyện, thị, thành (Ban chỉ huy Quân sự) đối với thanh niên ngoài quân đội để được hướng dẫn chi tiết khi kê khai hồ sơ.
Thời gian đăng ký dự thi, thời gian thi và khối thi có gì khác biệt so với các trường đại học, cao đẳng ngoài quân đội không?
- Thời gian tổ chức sơ tuyển và đăng ký dự thi tại các đơn vị, địa phương từ 10-3 đến 15-4. Năm 2007, Nhà nước tiếp tục thực hiện giải pháp “3 chung” trong tuyển sinh đại học, cao đẳng: thi chung đợt, dùng chung đề thi, sử dụng chung kết quả thi. Các trường đại học trong quân đội thống nhất tiếp tục thực hiện việc tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đợt thi, cùng khối thi với các trường đại học trong cả nước. Thí sinh dự thi vào các trường đại học trong quân đội, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể dùng kết quả để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng khác vào các trường cao đẳng, đại học trong quân đội và các trường cao đẳng, đại học ngoài quân đội.
Các trường đại học trong quân đội có tuyển sinh đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học năm 2007 gồm những trường nào ?
- Đó là các trường: Học viện Chính trị Quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Phòng không-Không quân, Học viện Hải quân, Học viện Biên phòng, Trường sỹ quan Lục quân 1 (tuyển các thí sinh từ Thừa Thiên-Huế trở ra), Trường sỹ quan Lục quân 2 (tuyển các thí sinh từ Quảng Trị trở vào), Trường sỹ quan Pháo binh, Trường sỹ quan Thông tin, Trường sỹ quan Tăng-Thiết giáp, Trường sỹ quan Công binh, Trường sỹ quan Đặc công, Trường sỹ quan Phòng hoá, Trường sỹ quan Không quân.
Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Đức
(Thực hiện)