DÙNG TÊN DANH NHÂN ĐẶT TÊN ĐƯỜNG: CẦN VIẾT CHO ĐÚNG CHÍNH TẢ !
|
Hiện nay, việc đặt tên các đường phố trên địa bàn tỉnh thường có các cách như gắn với tên của các danh nhân, gắn với những mốc lịch sử, gắn với những di tích hay địa danh lịch sử… Trong đó, việc đặt tên đường gắn với tên của danh nhân nhiều khi thực hiện còn có những sai sót. Cụ thể như sai lỗi chính tả, thậm chí còn sai cả họ của danh nhân.
"PHẠM" VÀ "PHAN" LÀ MỘT?
Hôm vừa rồi, tôi có việc phải tìm đến nhà người bạn trên đường Phạm Văn Nghị, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu. Theo chỉ dẫn của một người lái xe ôm ở khu vực Tiền Cảng, tôi chạy vòng vo mất gần nửa tiếng đồng hồ mà cũng không tìm thấy. Tôi phải quay trở lại điểm xuất phát, một người lái xe ôm khác cho biết, đường Phạm Văn Nghị nay đã được "đổi tên" thành đường… Phan Văn Nghị. Lần này thì tôi đã tìm ra được nhà người bạn ấy một cách nhanh chóng vì "Không nhìn vào bảng tên đường mà nhìn vào số nhà của các hộ dân" như lời mách nước của anh lái xe ôm nọ. Tôi đem chuyện này thắc mắc với anh bạn thì anh khẳng định, hiện nay trong tất cả các giấy tờ nhà cửa, hộ khẩu, số nhà… của hầu hết các hộ dân ở đây đều mang tên là đường Phạm Văn Nghị chứ thực ra không phải là Phan Văn Nghị như 2 tấm bảng tên đường gắn ở 2 đầu con đường đã được người ta dựng lên cách nay vài năm. Thế nhưng điều đáng nói là hiện nay đã có một số nhà và có cả một công ty lại lấy địa chỉ giao dịch là đường Phan Văn Nghị.
Ra khỏi nhà anh bạn, vừa hay tôi gặp một nhân viên của công ty điện lực đang đi thu tiền. Để kiểm chứng, tôi thử hỏi anh này theo sổ sách thì anh này cũng cho biết, đây là đường Phạm Văn Nghị. Tôi lại thắc mắc: “Sao tôi thấy bảng tên đường là Phan Văn Nghị”? Người nhân viên nọ cười xoà, nói: "Ôi dào, Phan hay Phạm gì thì cũng thế cả mà thôi, chỉ khác nhau có mỗi cái họ"! Không thoả mãn với lời giải thích, tôi quyết định đi tìm tên thật của con đường. Kết quả đúng là đường Phạm Văn Nghị.
PHẠM VĂN NGHỊ LÀ AI?
Theo bảng phụ lục số 01 "Danh mục đường phố tại thành phố Vũng Tàu" ban hành kèm theo Quyết định số 4064/2003/QĐ-UB ngày 2-5-2003 của UBND tỉnh, đường Phạm Văn Nghị có số thứ tự là 145, tên đường cũ là Quân Cảng, loại đường số 4 (con đường đã nói ở trên).
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, tại cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của 2 tác giả Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế, do Nhà xuất bản Văn hoá in lần thứ 4, xuất bản năm 1992 có sửa chữa, bổ sung có nói về một danh nhân có tên là Phạm Văn Nghị. Ông sinh ngày 14-12-1805, mất năm 1880, tại Nam Định. Ông là một danh sĩ, chí sĩ, hiệu là Nghĩa Trai. Phạm Văn Nghị là một vị quan văn võ song toàn, thanh liêm, yêu nước, thương dân. Ông đỗ Cử nhân năm 1837. Năm 1838, ông đỗ Hoàng giáp, rồi làm các chức vụ Tu soạn Viện Hàn lâm, Tri phủ Lý Nhân. Năm 1857, ông làm Đốc học Nam Định. Năm 1858, khi thực dân Pháp đánh chiếm Sơn Trà – Đà Nẵng, ông đã dâng sớ chống giặc tại Sơn Trà và được cử làm chỉ huy đoàn nghĩa quân đi kháng chiến tại Đà Nẵng. Sau khi Pháp rút khỏi Đà Nẵng, ông lại về làm Đốc học Nam Định. Năm 1873, ông tổ chức nghĩa quân chống Pháp ở Ý Yên – Phong Doanh- Nam Định… Sau khi nghỉ hưu, ông về ở ẩn ở động Liên Hoa. Tìm hiểu thêm tại website: www.hopham.org cũng có những thông tin tương tự như trên, chỉ khác là thông tin về năm mất của ông là 1884, không phải là 1880.
Như vậy, có thể hiểu nguyên nhân đặt sai tên con đường là do sự cẩu thả của người trực tiếp sơn vẽ tấm bảng hoặc cũng có thể là do người có trách nhiệm đặt vẽ tấm bảng này ở một cơ sở nào đó đã cung cấp sai tên của danh nhân dẫn đến sai sót trên. Nhưng dù đó là sai sót của bất kỳ ai thì con đường cũng cần được trả lại tên chính xác. Anh bạn tôi than thở: "Chỉ khác nhau cái họ nhưng cũng có thể làm thay đổi cả lịch sử về một nhân vật có thật trong lịch sử”. Nhìn xa hơn có thể thấy được nhiều tác hại do việc đặt sai tên đường gây ra. Đó là qua thời gian cái sai ấy có thể sẽ được chấp nhận và tạo thành một thói quen trong suy nghĩ của người dân. Kèm theo đó sẽ là những rắc rối trong khi làm các công việc liên quan đến công tác hành chính như giấy tờ mua bán nhà đất, làm chứng minh nhân dân, khai sinh, hộ khẩu… của người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Đức