.

QUAN TÂM NHIỀU HƠN ĐẾN VIỆC HỌC TẬP CỦA CON EM

Cập nhật: 08:40, 13/09/2006 (GMT+7)

Chị L.T.T ngụ tại phường 8, TP. Vũng Tàu, lấy chồng từ năm 20 tuổi. Chị sinh con trai được một năm thì chồng qua đời, bởi căn bệnh hiểm nghèo. Nhìn con trai khôi ngô, tuấn tú giống hệt cha nó, chị quyết định ở vậy nuôi con, không đi bước nữa. Đứa bé lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ, cùng sự đùm bọc của bà con khối phố; thông minh, học giỏi, chăm ngoan.
Thế rồi đến năm cậu bé học lớp 9, chị T. bỏ làm tạp vụ, chuyển sang buôn cá. Từ 4 giờ sáng, chị đã phải đi chợ, chiều về thu tiền, tìm nguồn hàng cho ngày hôm sau. Mỗi buổi sáng, chị T. thường dúi vào tay con ít tiền để nó tự đi chợ mua thức ăn nấu nướng ăn một mình. Khi chị về đến nhà thì con đã đi ngủ, hoặc đi chơi đâu đó; thời gian dành chăm sóc, giáo dục con của chị rất eo hẹp. Chị lăn lộn chốn thương trường để kiếm tiền chu tất cho cậu con trai duy nhất ăn học.
Quán Internet và mấy quán bida trong phố mọc lên, các dịch vụ này thu hút khá đông học sinh. Con trai chị dần dần tiếp cận các trò chơi này, rồi say mê quên cả học hành và thường nói dối mẹ để xin tiền lêu lổng. Không thấy con chị đi học, thầy cô giáo đến nói với chị, nhưng chị vẫn bán tín bán nghi. Chỉ đến khi nhận được thông báo của nhà trường là con chị đã bỏ học nhiều ngày, không đủ điều kiện lên lớp thì chị mới thực sự bị "sốc"!
Thất vọng vì con, chị T. bỏ nghề buôn cá quay trở lại nghề tạp vụ để có thời gian chăm sóc giáo dục con cái. Con trai chị đã được chi đoàn thanh niên, bà con trong khối phố thường xuyên đến thăm học, cảm hóa, giáo dục và bằng chính tình thương yêu, sự chăm sóc của người mẹ, dần dần cháu đã nhận ra khuyết điểm và hứa sửa chữa.
Nhìn đứa con thương yêu cắp sách trở lại mái trường cũ, chị T. mới hiểu rõ: đồng tiền rất cần, nhưng không phải là tất cả. Con cái rất cần sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, gia đình.

Vương Văn Tân
(Phường 8, TP. Vũng Tàu)