Bảo vệ trẻ em trước mặt trái của mạng xã hội

Thứ Tư, 28/10/2020, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Mạng xã hội đã hỗ trợ tích cực cho trẻ em trong việc học tập, giải trí, nhưng cũng là “cái bẫy” gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều vụ trẻ bị xâm hại tình dục do quen biết qua mạng xã hội đang gióng lên hồi chuông báo động. 

Trẻ em cần được bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng.  Trong ảnh: Học sinh trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Ria) trong buổi giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại.
Trẻ em cần được bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng. Trong ảnh: Học sinh trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Ria) trong buổi giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại.

TIỀM ẨN NHIỀU NGUY CƠ 

Mới đây, ngày 16/9, Công an TP. Vũng Tàu đã tạm giữ hình sự T.C.H. (SN 2002, ngụ phường Thắng Nhất) để điều tra hành vi giao cấu với người từ 13 đến 16 tuổi. Tại cơ quan công an, H. khai do quen biết N.N.A. (SN 2007) qua mạng Facebook nên ngày 13/9 đã rủ A. đến nhà nghỉ trên địa bàn phường Rạch Dừa để quan hệ tình dục. Gia đình A. phát hiện và làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng. Bước đầu, H. đã thừa nhận hành vi của mình.

Một vụ việc tương tự khác: Tháng 3/2020, do quen biết trên mạng nên N.H.P. (20 tuổi, KP. Hải Hòa, TT. Long Hải, huyện Long Điền) đã nhiều lần rủ Đ.N.T.A. (15 tuổi) về nhà mình chơi. Trong những lần ấy, P. thường mở điện thoại cho A. xem những hình ảnh nhạy cảm trên mạng và nhiều lần quan hệ tình dục với A.. Ngày 23/8, mẹ của Đ.N.T.A. phát hiện con gái có biểu hiện lạ nên gặng hỏi và lúc này A. mới kể hết sự việc. Mẹ của A. làm đơn trình báo công an. Vụ việc đang được xác minh, điều tra.

Theo thống kê của Công an tỉnh, 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 41 vụ xâm hại tình dục (tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Trên thực tế con số này có thể cao hơn do các vụ việc chưa được phát hiện, cha mẹ không tố giác hay bản thân nạn nhân lo sợ đối tượng xâm hại dọa dẫm nên không dám tiết lộ với gia đình, cơ quan chức năng.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh với UBND tỉnh để nghe báo cáo tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh mới đây, nhiều đại biểu đã thảo luận, phân tích nguyên nhân cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại trên môi trường mạng.  

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay, các vụ xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em thời gian qua vẫn gia tăng, nhất là trong 9 tháng đầu năm 2020. Nổi cộm là tình trạng quan hệ tình dục sớm do quen biết qua mạng xã hội, khi ở độ tuổi vị thành niên chiếm 64% tổng số vụ xâm hại tình dục. Độ tuổi trẻ em bị xâm hại từ 13-16 tuổi, thậm chí có cả những trẻ dưới 6 tuổi. “Các vụ xâm hại đã để lại hậu quả nặng nề cho trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong 41 vụ trẻ bị xâm hại tình dục, có 9 em có thai. Đây là thực trạng đáng báo động về mức độ ảnh hưởng của công nghệ/internet khiến học sinh dễ bị tiêm nhiễm các hành vi xấu”, bà Đinh Thị Trúc My cảnh báo. 

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng trẻ em đang bị tác động tiêu cực, thậm chí gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vụ xâm hại trẻ em là do các nội dung trên môi trường internet, mạng xã hội ít được kiểm soát. Nhiều phụ huynh cho con sử dụng mạng xã hội, điện thoại di động một cách vô điều kiện, không biết con đọc hay xem gì trên mạng. 

Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh lo ngại: “Phần lớn trẻ em không được trang bị kỹ năng sống, cũng như kiến thức sử dụng mạng internet an toàn. Việc không kiểm soát được nội dung môi trường mạng thực sự nguy hại đến trẻ”.  

CẦN GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ

Trước tình trạng này, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tạo môi trường sinh hoạt, giải trí an toàn cho trẻ. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, gia đình phải có biện pháp giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại, máy tính của trẻ. Về phía nhà trường, tất cả giáo viên phải được đào tạo kỹ năng cơ bản, nhất là kiến thức pháp luật về quyền trẻ em. Đối với môi trường xã hội, người lớn phải làm gương; các cơ quan chức năng liên quan đến công tác trẻ em cần phải được định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là khu vực trẻ em có hoàn cảnh thuộc nhóm nguy cơ cao. 

Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Văn Hồng cho rằng, phụ huynh cần quan tâm, kiểm tra những thông tin con đang tìm kiếm, sử dụng trên điện thoại, máy tính, từ đó hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn. Việc kiểm soát tốt thông tin, hình ảnh tiêu cực thông qua tin nhắn, mạng xã hội con đang sử dụng sẽ giúp phụ huynh định hướng, giáo dục con tốt hơn. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tập trung xây dựng và thực hiện tốt mô hình “xã, phường phù hợp trẻ em”; tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Các nhà trường phối hợp tổ chức Đoàn, Hội, Đội tăng cường giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ. 

Trong khi đó, một số ý kiến đề xuất cần tăng nặng hình thức và mức độ xử phạt các hành vi phạm tội xâm hại trẻ. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: “Việc áp dụng mức xử phạt nghiêm khắc đối với tội xâm hại trẻ em là cần thiết để tăng tính răn đe, giáo dục”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu: “Các sở, ngành cần phối hợp tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Để hạn chế những tổn thương cho trẻ khi bị xâm hại tình dục, hàng năm, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về bảo vệ trẻ em”. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.