Dự án nhân văn của nữ sinh lớp 10

Thứ Tư, 24/06/2020, 22:08 [GMT+7]
In bài này
.

“Tiếp xúc với các em HS khiếm thị, em nhận ra có một cơ thể lành lặn đã là điều may mắn. Vì vậy, em tự nhủ phải cố gắng đem điều tốt đẹp hơn đến những người kém may mắn hơn mình” - với sự cảm nhận đó, Phạm Thị Thùy Trang, cô học trò lớp 10A1, Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) đã bắt tay thực hiện dự án “Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị”. Dự án đã giúp nữ sinh này đoạt giải Ba cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp Quốc gia” năm 2020.

Em Phạm Thị Thùy Trang thực nghiệm thiết bị tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị.
Em Phạm Thị Thùy Trang thực nghiệm thiết bị tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị.

TỪ Ý TƯỞNG TÌNH CỜ

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật của Trường THPT Trần Văn Quan lại phát động là mảnh đất tơi xốp cho những “hạt mầm” ý tưởng của các em HS nảy nở. Đam mê nghiên cứu khoa học, nhưng Thùy Trang lúc đó lại bí về ý tưởng. Chia sẻ với thầy Cao Ngọc Sơn, GV từng “đỡ đầu” cho một số dự án cấp tỉnh, cấp quốc gia, Thùy Trang nhận được lời gợi mở: “Có một nơi, thầy hy vọng khi đến, em sẽ tìm ra những ý tưởng mới!”. Nơi được thầy Sơn nhắc tới là Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh). Sau chuyến tham quan trường, Thùy Trang nhận ra các trẻ em khiếm thị rất khó khăn trong quá trình học bảng chữ cái, đặc biệt là tính toán và nhận dạng hình ảnh hình học. Sau chuyến đi đó, Thùy Trang bắt đầu nghiên cứu “Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị”.

Thùy Trang chia sẻ: “Em muốn tạo ra thiết bị hỗ trợ các bạn HS khiếm thị học bảng chữ cái bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, học Toán với cả phần Số học và Hình học một cách trực quan để đem lại hiệu quả cao nhất. Không chỉ vậy, thiết bị giúp cho các bạn tự học khi không có sự hỗ trợ của GV, đồng thời tích hợp những tính năng mới mẻ để tạo hứng thú trong quá trình học tập”.

Để hiện thực ý tưởng, Thùy Trang tìm hiểu kiến thức liên quan đến đề tài như nguyên lý hoạt động của bảng chữ nổi, Arduino và thuật toán, phần mềm lập trình Arduino IDE, phần mềm CorelDRAW để thiết kế vỏ hộp… Sau khoảng 3 tháng, khi thiết bị đã được định hình, Trang cùng thầy Cao Ngọc Sơn mang đi thực nghiệm tại các trường khiếm thị. Tại đây, hai thầy trò tiếp tục lắng nghe góp ý của các em HS và các thầy cô để từng bước hoàn thiện sản phẩm. Ban đầu, Thùy Trang dự định chế tạo ra thiết bị giống như một “máy tính nói” hỗ trợ HS khiếm thị học bảng chữ cái, một số câu giao tiếp thông dụng bằng tiếng Anh và học các phép tính đơn giản. Nhưng sau quá trình thực nghiệm, lời chia sẻ của những người bạn khiếm thị khiến cô bé 15 tuổi thêm trăn trở: “Có bạn chia sẻ với em về nỗi buồn khi không nhìn thấy ánh sáng, không cảm nhận được thời gian, có bạn lại chia sẻ những khó khăn khi không nhận dạng được hình học. Những điều ấy đã thôi thúc em cố gắng từng bước hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, đưa thêm những chức năng như học hình học, thông báo thời gian… để thiết bị phù hợp hơn, hoàn thiện hơn, đem đến niềm vui học tập cho những người bạn kém may mắn”.

ĐẾN CHIẾC HỘP THẦN KỲ

Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị của Thùy Trang có kích thước nhỏ gọn nhưng lại giống như một “chiếc hộp thần kỳ” tích hợp nhiều chức năng. 

Mặt trước của thiết bị là bảng chữ cái (tiếng Việt và tiếng Anh) và bảng chữ số để phục vụ cho việc học Số học. Đây là 2 khu vực riêng biệt, có bàn phím được khắc chữ nổi để người khiếm thị nhận dạng ký tự bằng cách sờ vào mặt nút, khi ấn xuống sẽ phát ra âm thanh của ký tự đó. Bảng chữ cái có chế độ chọn học bảng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Còn khu vực tính toán số học có đầy đủ các phép tính, kết quả tính toán cuối cùng sẽ được thiết bị đọc lên, giúp HS khiếm thị có thể tự học mà không phải nhờ tới sự hỗ trợ của người khác. Mặt sau của thiết bị là các hình ảnh hình học được ký hiệu tên khắc nổi trên bề mặt mica, phía dưới là nút nhấn. Người khiếm thị sờ vào có thể nhận dạng hình thông qua các viền nổi trên mặt hộp và khi nhấn nút, thiết bị sẽ phát âm thanh cung cấp các thông tin như: tên hình ảnh hình học, công thức tính chu vi, công thức tính diện tích… Ngoài ra, thiết bị còn có màn hình led hiển thị thông tin, loa ngoài để phát âm thanh, nghe nhạc.

Thầy Cao Ngọc Sơn cho hay, điểm nổi bật của thiết bị này là thiết kế trực quan, có thể phát thông tin song ngữ, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giúp HS khiếm thị học bảng chữ cái, học toán dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả. Ngoài các phép toán đơn giản ở cấp TH, thiết bị còn hỗ trợ việc tính toán các phép tính phức tạp hơn như khai căn, lũy thừa… Bên cạnh đó, thiết bị nhỏ gọn như một chiếc hộp nhỏ nên dễ mang theo, sử dụng nguồn điện thấp hoặc pin dự phòng nên rất an toàn. “Ban đầu, thiết bị hướng tới hỗ trợ HS khiếm thị, nhưng sau nhiều lần bổ sung, hoàn thiện, đến nay, thiết bị có thể sử dụng được cho cả HS khiếm thị và HS bình thường”, thầy Sơn nhấn mạnh. Thầy Sơn cũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đề tài, do phải thử nghiệm nhiều linh kiện khác nhau, đồng thời điều chỉnh phương án thực hiện nên chi phí chế tạo thiết bị khá cao, lên tới 15 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu thiết bị được đưa vào sản xuất đại trà, giá thành chỉ còn khoảng 700 ngàn đồng. Thiết bị chế tạo từ những linh kiện được mua hoàn toàn ở Việt Nam nên dễ dàng sửa chữa và thay thế.

Không chỉ thực nghiệm sản phẩm tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh), Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị (TX. Phú Mỹ), Thùy Trang còn mạnh dạn đem sản phẩm của mình tới một số trường phổ thông khác. Giám sát và theo dõi việc thực nghiệm đề tài của Thùy Trang tại Trường TH Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ), cô Nguyễn Thị Nương, Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Đây là sản phẩm có tính ứng dụng cao, sử dụng được cho cả HS bình thường lẫn khiếm thị và có khả năng sản xuất rộng rãi trên thị trường”.

Khác với những năm trước, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho HS trung học năm nay được tổ chức chung cho cả 3 miền tại TP. Đà Nẵng với những dự án được chọn lọc kỹ, chỉ có 137 dự án tham dự, trong đó 75 dự án có giải, ít hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Trong số này, có những dự án quy mô cả về chi phí nghiên cứu và tầm ảnh hưởng. Em cảm thấy rất hạnh phúc khi dự án nhỏ của mình đoạt giải. Đây là cơ hội để em mang đến những điều tốt đẹp hơn cho những người bạn kém may mắn.
(Em Phạm Thị Thùy Trang)

 

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.