Để ngày không dài

Thứ Hai, 13/04/2020, 00:02 [GMT+7]
In bài này
.

Cảm giác đầu tiên của thầy trò chúng tôi là… NHỚ!

Nhớ trường lớp, nhớ những giờ học. Nhớ cả khoảng sân trường rộng thoáng vào những giờ chơi, lũ trẻ chạy nhảy la hét reo vui ầm ĩ như ong vỡ tổ. 

Những tà áo thêu đẹp như tranh.
Những tà áo thêu đẹp như tranh.

Các bản tin COVID-19 mỗi ngày lại dày thêm nỗi lo trong tôi khi danh sách nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn chưa dừng lại. Nhưng cũng ngập tràn niềm tin khi lệnh của Thủ tướng Chính phủ ban hành về giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm, tình hình dịch bệnh ở một số địa bàn đã được kiềm chế, thêm nhiều bệnh nhân được điều trị tích cực đã khỏi bệnh, xuất viện. 

Với niềm tin đó, thầy trò chúng tôi, mặc nhiên bước vào trận chiến mới: Dạy - Học online. 

Sở dĩ tôi dùng chữ “trận chiến” bởi, là một ngôi trường THCS vùng ven thành phố với gần 2 ngàn học sinh, không phải tất cả đều có máy tính, có phòng riêng để học online. Và người thầy là chúng tôi, phải có cách kết nối, tạo sức hấp dẫn riêng có cho tiết học. Trong hoàn cảnh này, sự linh hoạt của người thầy có ý nghĩa quyết định, tôi nghĩ vậy.

Là nói vậy thôi, dạy online cũng lắm điều hay!

8h20 sáng, tôi có tiết dạy gộp 2 lớp 7/7 và 7/11 với 97 học sinh. Sau 10 phút tập hợp, điểm danh, có 53 em vào chat room. Ở thời điểm này, tôi tạm hài lòng với con số đó. Dạy Âm nhạc ở trường THCS, nếu ứng dụng tốt công nghệ thông tin (cho học sinh xem video clip, thu phát bài tập hát của học sinh…) thì rất sinh động và hiệu quả. Nhưng học online trong tình trạng mạng net chập chờn, hình đi trước, âm thanh chạy sau như bây giờ thì khó có thể nói trước được điều gì. 

Vậy nên, tôi mạnh dạn thoát ra khỏi giáo án truyền thống ở 15 phút cuối, gợi mở các em đến với đề tài “Những ca khúc cổ động chống dịch COVID-19”. Ngay  lập tức, lớp học sôi động hẳn lên. Những dòng chữ hiện lên theo từng phím gõ nhấp nháy. Các em có cái cách nhìn thế giới của các em. Sở thích và sự quan tâm của các em hết sức hồn nhiên nhưng cũng rất trách nhiệm. “Ghen cô Vy”, “Chúng ta tin ở Bác Vũ Đức Đam”, “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID!” và những câu chuyện về nhạc sĩ doanh nhân Minh Beta, về Facebooker Bố Con Sâu, về từng giai điệu, lời ca, phong cách biểu diễn… Các em còn luận bàn sôi nổi về các kíp trực của đội ngũ y bác sĩ BV Bạch Mai; về bức ảnh của lực lượng phục vụ, chăm sóc chỗ ăn uống, ngủ nghỉ cho những người cách ly y tế tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM; về phương thức và ý nghĩa, mục đích của giãn cách xã hội; về những phút giây vượt qua trạng thái “quá tự kỷ vì ngắm bóng mình” và những việc làm giúp các em trở nên có ích để thực hiện lời khuyên của Thủ tướng Chính phủ “Ở nhà là yêu nước!”. COVID-19 cho thầy trò chúng tôi một sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau khi cùng nhận thức lại chính mình và thế giới xung quanh. 

Cô Thu Hương có thêm
Cô Thu Hương có thêm "bạn thêu" là con gái Thanh Tú trong những ngày giãn cách xã hội.

Con gái tôi, Trần Giang Thanh Tú, học sinh lớp 6 “ở nhà chống COVID-19” bằng việc tập tành thêu thùa, gần như buông kim để theo dõi giờ học online của các anh chị với giai điệu nhạc COVID. Nói một cách nào đó, những mũi thêu tô vẽ và tôn vinh nét đẹp sang trọng của tà áo dài Việt được truyền lại từ tôi, một cô giáo dạy Âm nhạc nhưng lại say mê hội họa và thêu thùa, qua đến bàn tay đứa con gái nhỏ, hoàn toàn tự nhiên như… vốn phải như vậy. Bé Tú thêu những mẫu hoa cỏ be bé, xinh xinh, những cành hoa cúc dại, những nhánh đào vừa hé nụ, vừa bật lộc, căng tròn sức sống. Còn tôi trau chuốt những đóa sen nở bừng, những cành hồng khoe sắc. Với tôi, thêu áo dài không đơn thuần là nghề tay trái giúp gia đình tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn vừa nuôi con nhỏ, vừa xây được một mái nhà nhỏ xinh, ấm áp. Mà đó chính là niềm đam mê sáng tạo cái đẹp. Với tôi, thêu là một dạng thiền, độc lập, ít bị chi phối. Và, những ngày chống dịch “ở yên tại nhà” của tôi chính là dịp được thiền, được sáng tạo, được trải lòng mình trong các mẫu thêu hoa lá, chim muông, quả ngọt trên tà áo dài của đồng nghiệp, của bạn bè gần xa. Tôi bỏ cả giấc ngủ trưa, miệt mài cả đêm khuya thanh vắng để ru mình trong hạnh phúc ngắm nhìn từng tà áo thêm lung linh. Dù chỉ là một nhành hoa nhỏ đổ xuống từ ngực, vắt ngang eo, rơi nhẹ nhàng xuống tà một chiếc lá… Tất cả như bức tranh lòng tôi đang trải ra cùng cái đẹp của chiếc áo dài thêu duyên dáng. 

Thời gian cho việc bếp núc, cho bữa cơm gia đình dường như cũng không thể lấy của tôi nhiều hơn thời gian ngồi bên khung thêu, se chỉ, phác thảo mẫu vẽ. Những vị khách yêu trang phục áo dài và sự cầu kỳ đến mê hoặc của nghệ thuật thêu tay truyền thống không hề vội vã để nhận một sản phẩm chín non. Và tôi, cũng đủ sự tinh tế trong việc pha màu cho từng đường chỉ; đủ kiên nhẫn và khéo léo cho mỗi đường cong mềm mại của từng cành lá, nụ hoa. Tôi cần mẫn, cặm cụi chỉ vì tôi cảm thấy thời gian giãn cách của tôi thật có ý nghĩa. Tôi có thêm những người bạn chuyện trò đêm khuya – những vị khách nhắn tin đặt mẫu qua mạng; gửi và nhận hàng qua trạm bảo vệ của cả hai cơ quan – để tránh đi lại, gặp gỡ đông người. Tôi có thêm sự chia sẻ và đồng cảm – là phụ nữ thời COVID-19, vẫn luôn lạc quan với tương lai, và lại thêm mạnh mẽ với những công việc có ích, cho bản thân, cho gia đình và cho một thế giới đẹp như những tà áo thêu của tôi. 

GIANG THỊ THU HƯƠNG

(GV trường THCS Ngô Sĩ Liên, TP.Vũng Tàu)

 

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

Thêm yêu quý cuộc sống

- TẬP YOGA QUA MẠNG: Kết nối và lan tỏa năng lượng tích cực

- Cháu họp trực tuyến với ông bà...

- Tôi đã gieo yêu thương

- Xa mặt nhưng không cách lòng

 

;
.