Virus Corona vẫn sống trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm

Thứ Bảy, 01/02/2020, 11:09 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện đang có nhiều nguồn thông tin cho rằng virus Corona mới (nCoV) không sống được trong điều kiện thời tiết trên 25oC, do đó nguy cơ lây nhiễm tại địa phương có khí hậu nóng ẩm như TP.Hồ Chí Minh, BR-VT là rất thấp. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nhận định này không đúng, nCoV vẫn có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu nóng bức và đều có nguy cơ lây lan nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh hữu hiệu.

Nếu cơ thể có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.  Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Lê Lợi.
Nếu cơ thể có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Lê Lợi.

Bộ Y tế cho biết, nCoV là một họ virus lớn, một số virus gây bệnh ở người và virus lây truyền giữa các loài động vật, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. nCoV mới xuất hiện gần đây không giống với Coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, các phân tích di truyền cho thấy virus này xuất hiện từ một loại virus liên quan đến SARS. Hiện nay, những cuộc điều tra đang diễn ra để tìm hiểu thêm.

Theo các chuyên gia tại Việt Nam, ở một số cơ địa, nCoV tấn công thẳng vào đường hô hấp dưới, gây viêm phổi. Cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 370C và lúc sốt có thể lên đến 400C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó nCoV vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. nCoV chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.

Theo Bộ Y tế, ở người, nCoV lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. nCoV cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Ở bên ngoài môi trường cơ thể người hoặc động vật, nCoV sẽ dễ bị chết sớm chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian chúng sống. Ở nhiệt độ ấm áp nhất là trên 250C, nCoV sẽ suy yếu. Do đó, chúng ta có thể tận dụng yếu tố nhiệt độ để làm giảm sức mạnh của virus như tránh ở trong các phòng kín có nhiệt độ quá lạnh, hạn chế bật điều hòa có nhiệt độ dưới 250C, nhà cửa nên bố trí, mở cửa thông thoáng. Hơn nữa, ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên. Do vậy, chúng ta nên mở cửa sổ, thông thoáng nhà cửa, đón ánh nắng mặt trời để hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể.

Theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, các triệu chứng của bệnh nCoV gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Để phòng bệnh nCov, mọi người cần tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế. Mọi người cần tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo, bỏ khăn giấy bẩn vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh; sử dụng thực phẩm chín và không tiếp xúc gần với động vật.

Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết. Nếu cơ thể có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này. Trong trường hợp bắt buộc phải đến Trung Quốc cần hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

MINH THIÊN

 
;
.