SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI BỆNH DO VIRUS CORONA MỚI

Chủ Nhật, 26/01/2020, 14:41 [GMT+7]
In bài này
.

Cho đến thời điểm này, BR-VT chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới (nCoV). Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, ngành y tế đã sẵn sàng các phương án để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

BV Lê Lợi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gồm 17 y-bác sĩ, diều dưỡng, nhân viên y tế luôn thường trực 24/24 để kịp thời xử lý các trường hợp nghi nhiễm nCoV. Trong ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Thái(thứ hai bên phải), Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại BV Lê Lợi.
BV Lê Lợi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gồm 17 y-bác sĩ, diều dưỡng, nhân viên y tế luôn thường trực 24/24 để kịp thời xử lý các trường hợp nghi nhiễm nCoV. Trong ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Thái(thứ hai bên phải), Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại BV Lê Lợi.


Tại Khoa Kiểm dịch y tế biên giới (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), ông Phó Đức Thắng, Trưởng Khoa Kiểm dịch y tế biên giới cho hay, mặc dù đến thời điểm này, khoa chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nCoV. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh này, khoa đã chủ động bố trí lực lượng nhân viên y tế, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

BV Bà Rịa đã thiết lập quy trình tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm nCoV từ phòng cấp cứu đến Khoa Nhiễm. Trong ảnh: Nhân viên y tế đưa di chuyển bệnh nhân vào cấp cứu tại BV Bà Rịa.
BV Bà Rịa đã thiết lập quy trình tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm nCoV từ phòng cấp cứu đến Khoa Nhiễm. Trong ảnh: Nhân viên y tế đưa di chuyển bệnh nhân vào cấp cứu tại BV Bà Rịa.


Cũng theo ông Thắng cho biết, đơn vị đã kết nối với hệ thống giám sát tàu thuyền nhập cảnh vào các cảng tại BR-VT qua cổng thông tin điện tử quốc gia để theo dõi lịch trình các tàu thuyền nhập cảng 24/24 giờ, kịp thời nhận biết các tàu thuyền đến từ Trung Quốc để áp dụng các biện pháp giám sát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 6-10 chuyến tàu, thuyền cập cảng BR-VT, trong đó khoảng 10-15% là tàu, thuyền đến từ Trung Quốc. Đây là quốc gia đang bùng phát dịch nghiêm trọng, do đó nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ hành khách đến từ Trung Quốc vào BR-VT qua đường cảng biển là rất lớn.

Khu vực thang máy dành riêng cho việc vận chuyển bệnh nhân nhiễm nCoV vào phòng điều trị cách ly tại Khoa Nhiễm, BV Bà Rịa.
Khu vực thang máy dành riêng cho việc vận chuyển bệnh nhân nhiễm nCoV vào phòng điều trị cách ly tại Khoa Nhiễm, BV Bà Rịa.


“Qua hệ thống thông báo và nhận thông tin về ca bệnh từ các đại lý tàu trên địa bàn tỉnh, khi có trường hợp có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, khoa sẽ bố trí tàu đưa kiểm dịch viên đến tận nơi để ghi nhận và thực hiện các bước xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Đến thời điểm này, khoa đã bố trí 6 kiểm dịch viên thay phiên trực 24/24, chuẩn bị 3 bộ nhiệt kế, 3 súng đo thân nhiệt và 250 bộ quần áo bảo hộ”, ông Thắng thông tin thêm.
Các bệnh viện (BV), Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã chủ động phương án bố trí nhân - vật lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh nCoV. Tại BV Lê Lợi, Ban Giám đốc BV này đã kích hoạt hệ thống giám sát, theo dõi, tiếp nhận và xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nCoV. Đơn vị này cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV gồm 17 y-bác sĩ, diều dưỡng, nhân viên y tế luôn thường trực, để kịp thời xử lý các trường hợp nghi nhiễm bệnh. 
Trong bối cảnh dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, BV Lê Lợi đã yêu cầu tất cả các bệnh nhân vào BV đều bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế để phòng lây nhiễm bệnh qua hô hấp. Đơn vị cũng đã bố trí phòng khám dành riêng cho bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV và khu vực điều trị nội trú trong trường hợp có bệnh nhân bị nhiễm nCoV cần nhập viện. 
“Bệnh nhân khi tiếp nhận ở phòng cấp cứu, nếu có dấu hiệu (ho, sốt, đau họng, sổ mũi, nhức đầu, rét run, tức ngực, ho, khó thở, khai thác bệnh sử, người đến từ các vùng đang lưu hành dịch bệnh do virus Corona…), y-bác sĩ, nhân viên y tế trực cấp cứu sẽ lập tức đưa bệnh nhân vào phòng khám cách ly để lấy máu xét nghiệm tại chỗ và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo quy định”, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc BV Lê Lợi nói. 
Tương tự, BV Bà Rịa đã thiết lập quy trình giám sát, tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm nCoV từ phòng cấp cứu đến Khoa Nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bà Rịa) cho biết, những trường hợp nghi nhiễm nCoV sẽ được cho mang khẩu trang y tế chuyên dụng chống virus và sau đó đưa vào phòng cách ly (được bố trí gần phòng cấp cứu). Đội đặc nhiệm phòng chống dịch của Khoa Nhiễm sẽ nhận bệnh tại phòng cách ly và vận chuyển bằng xe chuyên dụng đưa về Khoa Nhiễm theo lối đi riêng từ khu vực thang máy lên tới phòng điều trị dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
Theo bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong dịp Tết này, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao. Do đó, ngành y tế đã tăng cường các biện pháp để giám sát chặt chẽ các trường hợp đến và trở về lại BR-VT từ các vùng đang lưu hành dịch, đặc biệt là ở khu vực cửa khẩu. 

Tính đến ngày 25/1, trên thế giới đã có 1.300 người nhiễm bệnh nCoV; riêng Trung Quốc có 1.287 người nhiễm bệnh và đã có 41 trường hợp tử vong. Đến ngày 26/1, số người thiệt mạng bởi viêm phổi do virus Corona được xác nhận tại Trung Quốc đã tăng lên 56 trường hợp trong số hơn 1.900 trường hợp nhiễm bệnh này.

Sáng 26/1, tại TP.Đà Nẵng, có 6 người Trung Quốc, 1 người Cộng hòa Séc và 3 người Việt Nam đang được cách ly theo dõi chờ kết quả xét nghiệm nghi nhiễm bệnh nCoV.

 

“Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona, người dân không nên hoang mang, lo lắng, mà cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch mà ngành y tế đã khuyến cáo. Nếu không quá cấp thiết thì mọi người không nên đi du lịch hoặc đến các vùng đang lưu hành dịch. Mọi người khi có các dấu hiệu sốt, đau họng, sổ mũi, nhức đầu, rét run, tức ngực, ho, khó thở…, đã từng đến vùng dịch trước đó, cần sớm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Thanh khuyến cáo. 


Bài, ảnh: MINH THIÊN

 

;
.