Sự cố này, giải quyết ra làm sao?

Thứ Sáu, 11/10/2019, 06:22 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa thức giấc dậy sau một đêm dài mơ nhiều mộng đẹp, người chồng hào hứng nói luôn: “Mau dậy đi ăn sáng cưng ơi”. Thông thường hễ ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng con cái lại dắt díu ra khỏi nhà. Sau điểm tâm là họ lang thang vào siêu thị mua sắm hoặc xem phim hoặc tạt qua nhà sách… Kế hoạch đã định ra là vậy.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Lạ thay, sáng nay vừa tuôn ra lời lẽ dịu dàng, ngọt ngào ấy, chàng đã nghe nàng cáu gắt: “Anh vô tâm thiệt”. Với người phụ nữ, có những câu nói chỉ làm mình làm mẩy, làm bộ làm tịch, chỉ là cái cớ để làm nũng, đôi lúc họ cần nũng nịu để càng được chiều chuộng hơn. Thế nhưng, câu nói vừa rồi chẳng hề có sắc thái đó tẹo nào cả. Người chồng ngạc nhiên: “Ủa, bộ em quên chủ nhật này, nhà mình còn hẹn với cả vợ chồng sếp của anh nữa à?”. Nhắc lại “tầm quan trọng” này cũng là một cách nhấn mạnh chuyện ra khỏi nhà là hoàn toàn hợp lý, chính đáng.

Thế nhưng nàng vẫn khăng khăng: “Nhắn tin hẹn sếp vào dịp khác đi anh”. “Sao vậy?”, người chồng hỏi vặn lại. Nàng đáp: “Cái máy bơm chiều hôm qua vừa ngủm củ tỏi. Anh quên rồi à? Vô tâm quá đi thôi”. Nàng nhắc lại nên chàng mới nhớ ra. Phải sửa gấp, không thể chần chừ được nữa.  Trục trặc gì còn có thể nấn ná thời gian, chứ máy bơm nước cà xịch cà đụi là gay go lắm. Chẳng lẽ đợi đến lúc “nước đến chân mới nhảy”? Khổ nỗi đã có cuộc hẹn trước, vậy phải làm sao? Bấy lâu phải mời mọc mãi, vợ chồng sếp mới gật đầu, nay, mình lại ngang nhiên hoãn lại, cảm thấy áy náy ghê. Biết đâu, sếp lại nghĩ nọ kia thì cũng phiền.

Thế đấy, dù không muốn thất hứa, bị đánh giá hứa lèo nhưng có lúc lại rơi vào trường hợp khó xử lắm. Cách đây không lâu, đồng nghiệp của tôi là Quang xung phong ra tận sân bay đón khách đối tác. Sếp và mọi người tán thành ngay bởi hắn ta có tài ăn nói khôn khéo, lịch thiệp, trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh, không cần qua phiên dịch, lại là người có vai vế “đối ngoại” cho công ty.

Đúng vào lịch trình của ngày đã hẹn, Quang vừa bước ra khỏi nhà, cô vợ gọi lại: “Bé nhóc bị cảm cúm, đang sốt mà anh chẳng quan tâm gì sất”. Hắn ta vội vội vàng vàng trình bày lại mọi việc đã định trước, cô vợ vẫn thản nhiên như không: “Bất quá, anh chỉ được sếp khen cho một câu. Trong khi đó cục cưng có chuyện gì thì sao?”. Ờ nhỉ. Dù trong lòng áy náy, nhưng đã hứa trước với mọi người, lẽ nào vì lý do đột xuất này lại thất hứa?

Vậy phải làm sao đây?

Có lẽ nhiều người đồng tình chọn lấy “phương án” gọi điện thoại cho sếp đặng xin lỗi, trình bày lý do vừa xảy ra. Thật ra, dù không có sự hiện diện của mình đi nữa, mọi việc cũng suôn sẻ, đâu vào đó. Vậy cứ mạnh dạn nói thật nỗi khó khăn ngoài ý muốn, mọi người ắt thông cảm, chẳng ai nỡ trách. Cách giải quyết này, hợp tình hợp lý quá, phải không?

Ai đó đã nói một câu thật chí lý: “Cách giữ lời hứa tốt nhất là đừng nên hứa” cũng bởi do những sự cố đột xuất xảy ra khiến mình “trở tay không kịp”. Một lần chẳng sao, nhưng nếu lặp lại đôi lần biết đâu bị mọi người gán cho danh hiệu mỹ miều “Con ma nhà họ Hứa” thì quê một cục.

Có những lúc thất hứa vì lý do xảy ra ngoài ý muốn, sau đó, còn có cơ hội làm lại. Nhưng với trẻ con thì lại khác, không dễ dàng đâu.

Còn nhớ lần nọ, chị Quyên cạnh nhà sang nhà tôi dò hỏi có quen biết ai là bác sĩ tâm lý giỏi hay không? Chuyện là trước kia cậu nhóc nhà chị mải mê theo bạn bè suốt ngày đắm đuối trò chơi điện tử, học hành cà rịch cà tang, nhiều lần giáo viên chủ nhiệm đã đến tận nhà than phiền.

Nhằm chấn chỉnh lại việc học của con, vợ chồng chị có hứa là nếu tu tỉnh học tập, đứng hạng cao thì dịp hè sẽ cho cháu về quê thăm nội. Cháu thích lắm vì ông bà nội ở tận ngoài Bắc. Lời hứa đó chính là động lực để cháu tập trung vào việc học và kết quả thay đổi rõ rệt. Vậy thì, dịp hè đến, cháu được nhận phần thưởng đó chứ gì?

Không hề. Do mải mê công việc làm ăn, nên vợ chồng Quyên cứ nấn ná, hẹn đi hẹn lại nhiều lần. Còn thêm lý do là họ cho rằng, lời hứa với con trẻ chẳng mấy quan trọng gì, không dịp này thì dịp khác. Dù cháu đã nhắc đi nhắc lại nhưng rồi cuối cùng họ cũng quên bẵng đi lời hứa ấy. Rắc rối cũng từ đó mà ra. Gần đây, nghe tin bố chồng vị bệnh nặng cả nhà phải thu xếp về Bắc gấp. Hỡi ôi, chú nhóc nhà chị lại cương quyết “một tấc không đi, một ly không rời”. Đã dỗ ngon dỗ ngọt, đã răn đe nhưng cháu vẫn cứ lì ra đấy.

Để giải quyết vấn đề thất hứa liên quan đến con trẻ, có nhà tư vấn tâm lý cho rằng, cách tốt nhất là các bậc phụ huynh nên chủ động xin lỗi con. Xin lỗi con mình ư? Nghe lạ tai quá đi mất. Chẳng lạ gì đâu, lỗi ấy thuộc về mình, dù là con đi nữa thì lời xin lỗi ấy rất cần thiết.

LÊ MINH QUỐC

;
.